RAU
RAU
Thức ăn cơ bản có 3 loại thực phẩm chính gồm rau củ quả - thịt trứng cá – ngũ cốc. Phần 4 ở chùm bài Bí mật về táo bón tôi đã nói chung về tính chất của 3 nhóm thực phẩm này. Nay nói chi tiết hơn về rau.
Rau trong thức ăn có tác dụng làm mát, mát gan, mát máu, mát nội tạng, kiềm máu, thải muối, thải đạm, là đối trọng âm để cân bằng các thứ dương như thịt, muối, đạm. Cân bằng lại các thức dương có nghĩa là làm cho các thức dương trở lên dễ tiêu hơn, đỡ độc.
Các loại rau ăn lá thông thường đều có tính lạnh, tính ly tâm, tính trệ khí. Thế nên khi ăn rau nhiều sẽ gây ra tình trạng hàn thấp, làm lạnh và nê trệ hệ tiêu hoá, lâu dài về sau làm hệ tiêu hoá không làm tròn trách nhiệm của nó là nơi vận hoá thức ăn sinh ra khí huyết. Tuy nhiên, trong bữa ăn không thể nào thiếu rau nhất là với người VN. Vì thế ta ăn thế nào cho phù hợp, chọn loại rau nào, kết hợp như nào, người nào nên ăn rau gì, đó là điều chúng ta cần biết.
Nói về rau ăn lá, tạm chia một cách tổng thể ra 3 loại là rau ăn sống, rau nấu, rau vừa có thể ăn sống và vừa có thể nấu.
Rau ăn sống là rau không phải nấu hoặc không nên nấu. Vì loại này đem nấu thì hỏng và ăn không ra gì. Thực ra rau nào cũng có thể ăn sống được mà không vấn đề gì, không gây chết người hay đau bụng đi ngoài ngay. Nhưng tại sao lại có loại chỉ nên ăn sống, có loại cần phải nấu và có loại vừa có thể ăn sống và nấu? Về kinh nghiệm thì chúng ta cũng có thể biết được, để hiểu vì sao thì cần có nguyên lý.
Nhưng rau ăn sống được là những rau có kết cấu năng lượng không bền vững, hoặc năng lượng nông, bên ngoài, hệ tiêu hoá không mất quá nhiều công sức để nung nấu mới tiêu hoá được. Chính vì năng lượng rất nổi và bên ngoài nên nếu nấu thì nó huỷ và bay hết luôn. Vd bạn cho hành lá vào đun lâu thì không còn gì cả. Thế nên, không phải cái gì ninh nấu nhiều cũng tốt. Rau nấu thì lại có kết cấu năng lượng, liên kết vật chất bền vững, năng lượng chìm sâu nên cần nấu ninh để phá vỡ ra và lôi năng lượng ra ngoài mới dễ hấp thu. Một số rau chúng ta còn nên vò nát thì sẽ ngọt hơn cũng chính vì nó quá bền vững vd rau ngót, rau chùm ngây.
1. RAU ĂN SỐNG
Rau ăn sống thì có 2 dạng là có tinh dầu thơm và không có tinh dầu thơm.
Rau có tinh dầu thơm như tía tô, kinh giới, các loại húng. Các loại này có đặc điểm chung là không lạnh mà cũng không nê trệ vì nó có vị cay mùi thơm, dùng ăn kèm thức ăn để giúp tiếu hóa thức ăn tốt hơn, ấm bụng, dễ tiêu. Trong loại thơm thơm này thì lại chia ra 2 dòng là dòng phát hãn (tán chính khí - âm) như tía tô, kinh giới, hương nhu, bạc hà, hay dùng để chữa ho cảm; loại không phát hãn (bổ chính khí – dương) như rau mùi, mùi tây, mùi tàu (ngò gai), cần tây, thì là. Trong thực dưỡng thì mấy thứ như tía tô, kinh giới dc coi là âm còn rau mùi ta, mùi tây, mùi tàu được coi là dương. Các loại húng như húng quế, húng lủi, diếp cá theo cảm nhận cá nhân thì nó dạng ở giữa giữa, không được dương như rau mùi nhưng không âm như tía tô, kinh giới, nó nghiêng về phía dương hơn.
Loại rau ăn sống không có tinh dầu thơm phổ biến và thông dụng là xà lách, dưa chuột. Mấy loại này có tính mát, không quá lạnh. Một số nơi dùng cọng rau muống chẻ để làm rau sống, theo tôi thì không nên vì nó lạnh và ly tâm quá. Tôi cũng không nhớ còn những loại rau gì để viết. Các bạn cứ đưa tên loại rau gì thì tôi sẽ nói loại rau đó.
Tại sao lại phải biết về tính vị này? Để chúng ta biết loại nào có thể ăn được nhiều, loại nào ăn được nhưng nên ăn ít và dùng để làm gì. Các loại rau sống rau thơm này không có tính lạnh hay nê trệ nên có thể ăn sống mà không hại gì đến tiêu hoá.
Các loại phát hãn (tía tô, kinh giới) thì dùng để giải cảm nhưng không nên ăn nhiều và dài ngày. Một số người dùng tía tô làm trà uống hàng ngày và lâu dài là không nên. Nó chỉ nên uống khi bj cảm. Mọi người lại còn bảo nhau trước đẻ ăn tía tô cho dễ đẻ. Cái này lại càng tai hại hơn vì tía tô làm tan máu có thể gây băng huyết. Muốn đẻ dễ thì uống ngải cứu giúp co bóp tử cung và bổ khí huyết chứ không phải tía tô làm tán khí huyết.
Các loại có tính bổ chính khí và tính dương (mùi, húng) thì có thể ăn nhiều hơn so với loại khác. Rau mùi còn có tác dụng chữa táo bón tốt. Và trong rổ rau sống chúng ta nên có tối thiểu 2 loại rau, mỗi thứ một ít. Nhiều nhất thường là xà lách, tiếp đến là thêm rau mùi phải kha khá cho có tý khí dương, vài ngọn húng hoặc (và) tía tô, kinh giới để cho ấm và hoạt khí.
Có một loại rau cũng dùng để ăn sống, nó có tính mát nhưng không đến mức lạnh, nó có vị cay nên có tính hoạt khí, nó có thêm vị chua nên có phần thu liễm. Thế nên nó không phải dạng phát hãn hay tán khí mà có tính bổ chính khí. Đó chính là diếp cá. Diếp cá là một loại rau sống, thảo dược làm thuốc với rất nhiều công dụng. Có lẽ tôi sẽ viết một bài riêng về loại này với rất nhiều ứng dụng. Với diếp cá thì có thể ăn một mình nó và kha khá vì nó có tính bổ khí và cũng không lạnh, ngoài ra còn nhiều tác dụng tốt. Nếu ăn hàng ngày thì càng tốt. Đây là một loại rau rất đáng trồng và nhà ai cũng nên trồng.
2 RAU NẤU
Các loại rau vừa lạnh vừa có tính trệ khí vd như rau muống, mồng tơi, rau đay, rau dền, chùm ngây, tầm bóp, … Các loại rau này không nên ăn luộc hoặc nấu không, nên xào tỏi, xào thịt, nấu với thịt băm, tôm khô để hạn chế tính lạnh và trệ khí. Đối với người ăn chay thì cần nấu với tamari vì tamari là nóng dương.
Mấy loại rau vừa kể tên trên vừa hàn lạnh vừa nê trệ vừa ly tâm phải hết sức chú ý nhất là đối với người bụng dạ kém, hay đi lỏng, người trào ngược, đau dạ dày, tay chân lạnh, đại tràng, táo bón âm, kích ứng đường ruột. Mấy thứ này có bệnh mà ko biết lại cứ ăn thì thuốc cũng không lại được. Tiện thể, nhắc luôn trong bài này để biết đường kiêng, xoài, đu đủ, thanh long cũng thuộc nhóm này.
Việc ăn sống, ăn kèm kiểu của rau sống cũng có cái hay mà ăn kiểu nấu của rau nấu cũng có cái hay. Việc nấu lên với tôm thịt hoặc mắm muối thì sự tác dụng của các thức ăn lại tốt hơn, canh trở nên ấm hơn, thích hợp với mùa đông, thích hợp với người ốm yếu xanh xao.
Thực ra rau sống không nên ăn nhiều dù nó là dạng có thể tiêu hóa được. Chúng ta vẫn ưu tiên ăn rau chín, ăn nấu nhiều hơn. Theo quan điểm của dưỡng sinh thì không nên thay thế rau chín bằng toàn bộ rau sống. Nếu ngày nào cũng ăn 1 rổ rau sống dù là xà lách, dưa chuột hay diếp cá thì tôi nghĩ không ổn dù các rau đó không quá lạnh thì nó vẫn lạnh hơn là nếu được nấu và nấu với các thức khác. Rau sống dù sao cũng chỉ nên coi là rau gia vị, hương hoa, ăn thêm, không phải chính.
Dùng rau (nấu) là cách để giúp thịt đỡ độc hay chính là tiêu hóa tốt hơn. Mà nấu thì không thể dùng loại rau ăn sống để nấu được, phải dùng loại rau nấu để nấu. Cách ăn tôm thịt an toàn và hiệu quả nhất chính là nấu lẫn rau, tất nhiên tôm thịt ít thôi, giống như chỉ là gia vị, rau là chính. Hãy giấu thịt vào trong rau, giấu dương vào trong âm, giấu hoả vào trong nước.
Ngay cả với các loại rau không quá lạnh như rau bí, bí xanh, bí đỏ, xu hào, carot, .. mà nấu với 1 chút tôm thịt thì vẫn thấy nó ok hơn, tính âm dương cân bằng hơn. Các bạn hãy nhớ lần sau khi tôi nói từ tôm thịt với người ăn mặn thì có thể thay bằng tamari với người ăn chay.
RAU VỪA NẤU VỪA ĂN SỐNG
Các loại rau có tính lạnh, mát nhưng không trệ khí thường là các rau vị cay vd một số loại rau cải như cải bẹ, cải đông dư, cải xoăn cải kale, cải rocket, cải bắp. Diếp cá cũng thuộc dạng này. Các loại này khí không trệ nhưng lạnh nên khi nấu thêm gừng. Người ta nói buổi tối không nên ăn rau cải vì ăn cải buổi tối làm đi đái nhiều mất giấc ngủ, đi đái nhiều là vì nó làm lạnh thận. Có câu “Cần tái cải nhừ” là vì cải lạnh phải nấu kỹ, nấu tái ăn chỉ có đi đái dắt.
Những loại rau này rất thích hợp để làm các món salad có thịt nướng, thịt luộc hoặc trứng - những món có tính nóng & dương. Thế nên chúng ta thấy các nhà hàng thịt nướng, BBQ, Pizza, các món cuốn hay dùng loại này. Những loại rau này sẽ giúp thịt trở nên đỡ độc hơn, nghĩa là dễ tiêu hơn, đỡ (gây nội nhiệt) nóng hơn. Các loại rau này có thể ăn sống nhiều hơn so với các loại rau húng, rau thơm vì tính phát hãn nó ít hơn, nhưng cũng không thể ăn sống quá nhiều vì dù sao nó cũng lạnh và khá bền vững.
Rau này có thể ăn sống vì có vị cay nên không đến mức trệ khí quá. Trệ khí quá sẽ làm đầy bụng, đau bụng khó tiêu. nhưng loại rau này cũng lại có thể nấu là vị năng lượng nó ở sâu, kết cấu bền vững, có thể đem nấu mà năng lượng không mất đi hay bị huỷ.
Khi đi ăn BBQ, có nhà hàng chỉ dùng rau xà lách mà không có rau cải. Tôi thì thấy rau cải hay hơn xà lách, nếu có cả 2 loại thì càng tốt. Một số nhà hàng còn có cải rôcket thì quả là sang.
Đối với ăn mặn, thì đối trọng dương là thịt; đối với ăn chay, để ăn các món cuốn thì các bạn nên làm một bát nước chấm có miso tamari kiểu như kho quẹt, thì miso, tamari là đối trọng dương để cân bằng lại tính âm của rau.
Tôi lấy 1 ví dụ để các bạn thấy sự khác nhau trong tính âm (ly tán) dương (co rút) của rau là như này. Cùng là thức để xổ chữa táo bón, đều có tính giáng khí, khi chúng ta ăn vào thì đi đại tiện nhiều nhưng đầu ra lại khác nhau. Thức âm như phan tả diệp thì đi kiểu bắn pháo hoa tung toé, kiểu ly tâm. Thức dương như ngưu bàng thì không té re bắn pháo hoa như phan tả diệp. Điều này sẽ liên quan đến độ khoẻ độ săn chắc của đường ruột. Cả 2 đều là khí đi xuống làm đại tiện nhiều hơn nhưng thức âm thì khí đi xuống và toả ra làm ruột trương nở, thức dương thì khí đi xuống và co vào làm đường ruột săn lại. Thế nên, cùng có thể chữa táo bón nhưng thực ra loại khác nhau có tác động khác nhau. Các thức âm như phan tả diệp, mồng tơi, rau muống thì tán khí, trương nở, các thức dương như rau mùi, ngưu bàng, diếp cá thì bổ khí, hướng tâm. Đó là lý do tôi gthieu chữa táo bón bằng rau mùi, diếp cá, ngưu bàng. Trong đó ngưu bàng là khí đi xuống mạnh nhất.
SINH TỐ CẢI KALE
Rất nhiều người dùng các loại rau để ép nước, uống sinh tố. Không phải loại rau nào uống sinh tố cũng tốt, mà có khi tác dụng ngược lại. Loại rau để uống sinh tố cần chọn loại có tính bổ khí, không quá lạnh vd như rau mùi, mùi tây, mùi tàu, diếp cá, cần tây. Thậm chí như vậy còn chưa đủ mà nên thêm chút dương ấm nữa như tamari vào, hoặc thêm carot, táo đỏ, sả, gừng, húng quế… Các loại dưa leo, bí đao vừa lạnh vừa có tính tẩy ko nên dùng ngay cả khi pha thêm hoặc đã phối thêm. Các loại cải trong đó có kale là loại lạnh không nên dùng thường xuyên dài ngày. Nó chỉ nên dùng ăn kèm thịt, sốt miso để cân bằng chứ không hợp để uống sinh tố. Dù có phối hoặc pha thêm theo tôi cũng vẫn không an toàn. Nếu có dùng thì chỉ nên cho 1 lượng nhỏ còn loại là các loại an toàn khác. Hoàn toàn không nên uống 1 cốc toàn cải Kale. Với người bình thường đã là không tốt. Đặc biệt có hại với những người tỳ thận dương hư, càng uống càng làm tỳ thận lạnh, không vận hoá được thức ăn, lâu ngày sinh ra thấp độc. Những người uống sinh tố rau để mong chữa táo bón thì sẽ càng bị táo bón và nhiều vấn đề khác nữa.
Like fanpage BÍ MẬT THỰC DƯỠNG để theo dõi các bài tiếp theo.
NGỘ ĐỘC RAU CẢI
https://www.facebook.com/817496751717864/posts/2389450557855801/
SINH TỐ CẢI KALE
https://www.facebook.com/817496751717864/posts/2389450557855801/
RAU MUỐNG
https://www.facebook.com/817496751717864/posts/1089836457817224/
MUỐN DETOX, GIẢM BÉO AN TOÀN CẦN NẮM ĐƯỢC BÍ MẬT NÀY
https://www.facebook.com/817496751717864/posts/2451674364966753/
NHỮNG NGUYÊN NHÂN LÀM TIÊU HOÁ YẾU BỆNH THEO YHCT
https://www.facebook.com/817496751717864/posts/2436817329785790/