MẤT NGỦ & BÀI THUỐC DƯỠNG TÂM AN THẦN
MẤT NGỦ & BÀI THUỐC DƯỠNG TÂM AN THẦN
Chúng ta chắc ai cũng đã từng có giai đoạn khó ngủ, mất ngủ. Giờ rất ít người ngủ được một cách ngon lành, sâu giấc, ngủ như chết. Dường như ai cũng gặp vấn đề về giấc ngủ, không ít thì nhiều. Tôi có người bạn làm nhân viên bán thuốc cho một công ty nước ngoài, bạn bảo loại thuốc bán chạy nhất chính là hệ an thần. Giờ mà ăn được, ngủ được đúng là tiên.
Thường thì dân ta có vấn đề về ngủ hay tìm đến các loại lá lẩu chứ không muốn dùng thuốc tây vì cho rằng thuốc tây sẽ bị nghiện hoặc phụ thuộc, đến lúc là thuốc cũng chả ăn thua hoặc dùng lâu đầu óc cứ đơ đơ chậm chậm. Được cái VN ta rất nhiều các loại lá để ngủ như lá vông vem, lạc tiên, củ bình vôi, lá đinh lăng, hoa tam thất, tâm sen, long nhãn… Có người dùng ăn thua mà có người chả ăn thua. Người ta thường bảo là số may, hợp thầy hợp thuốc… Nhưng thực ra, mất ngủ có rất nhiều nguyên nhân. Thường có 3 vấn đề:
- Gan nóng uất
- Tâm thần bấn loạn
- Khí huyết hư nhược
Gan chủ sơ tiết (vận hành, quản lý), tàng trữ huyết, chủ huyết dịch… Thế nên khi gan nóng uất kết thì chức năng điều tiết máu huyết sẽ không tốt (mặc dù máu huyết đủ nhưng quản lý vận hành kém), không nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh được. Gan uất kết làm máu huyết không đủ và không lưu thông tốt dẫn đến tắc, thiếu, gây nóng, bốc hỏa; giống như cái máy chạy mà lại không cấp đủ xăng, đủ dầu làm nóng máy.
Khi gan nóng, hỏa bốc thì ảnh hưởng đến tạng tâm. Tâm chủ huyết, tàng thần. Tâm là nơi bơm máu đi đến các lục phủ ngũ tạng khắp cơ thể. Nhưng lại không đủ máu để bơm, để cấp đi nên tâm trở nên nóng, yếu, gây tâm hỏa, bức bối tính khí thất thường, nóng giận, nghĩ nhiều, gây nên mất ngủ.
Gan giống như người quản lý, tâm giống như người thực thi. Quản lý không tốt thì người thực thi không nổi, mà thực thi không nổi thì quản lý cũng đau đầu. Gan giống như là người quản lý kho lương kho tiền, tâm giống các cơ quan công quyền thực thi nhiệm vụ. Nguồn lực lương tiền như bị khóa, đình đốn, khó vào khó ra, không đủ lương tiền để vận hành công việc, khiến công việc đình đốn bế tắc hết. Các cơ quan thực thi (tâm) thì không có công cụ nguồn lực để làm, khiến cho dân chúng (cơ thể, bộ phận khác) la ó, bức bối, và tất nhiên sẽ không ai làm gì ra hồn, toàn bộ đình đốn (tắc nghẽn) và đương nhiên trên cũng đau đầu mất ngủ.
Gan ảnh hưởng đến tâm thần nhưng tâm thần cũng ảnh hưởng ngược lại gan. Ngày nay có quá nhiều điều khiến ta phải nghĩ, nghĩ nhiều đến nỗi mất ngủ. Lướt F thấy con bạn thân nó mới có thẳng người yêu vừa giàu vừa đẹp trai nổi lòng đố kỵ mà mất ngủ. Đứa đồng nghiệp tự dung được sếp thăng chức mà nó thì chả giỏi gì, chỉ được cái xinh, cũng ghen tỵ mà mất ngủ. Công việc deadline phải thức khuya, ngủ muộn mà mơ cả thấy đang làm việc. Chơi coin mất tiền cũng mất ngủ. Tranh chấp đất cát lợi ích cũng mất ngủ. Covid mất việc, đóng cửa hàng cũng mất ngủ. Bồ đá cũng mất ngủ… Viết bài muộn quá cũng mất ngủ.. Thế giới ngày nay, mọi thứ diên ra quá nhanh và quá nhiều khiến cho tâm thần bấn loạn thực sự. Cái thời bình yên, giản dị, ăn no ngủ kỹ sau lũy tre làng đã quá xa rồi!
Mất ngủ nhiều, máu không về gan mà chạy ầm ầm trên đầu, ở khắp người không chịu về gan thì gan sẽ nóng uất. Từ đó chức năng điều hòa máu huyết bị ảnh hưởng, không đủ lên não, làm thần kinh suy nhược.
Gan có quá nhiều các yếu tố đe dọa đến sức khỏe. Ăn uống cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ, hóa chất làm cho gan quá tải (vì gan là cơ quan thải độc và chuyển hóa thức ăn) cũng làm gan nóng uất. Tình chí yêu ghét đố kỵ, tham vọng, uất ức trong lòng, lo lắng, stress cũng làm nóng uất gan. Gan giống như đầu mối của sức khỏe. Rất nhiều bệnh được chữa bắt đầu từ tạng gan.
Chính vì thế mà dân ta thường uống mát gan là vị vậy. Trong nhiều trường hợp mất ngủ, dân ta hay dùng các thứ mát gan, thải độc để uống mục đích là để thanh can, tả hỏa, giải uất cứu nguy cho gan. Tuy nhiên, do dùng theo kiểu kinh nghiệm truyền miệng mà không hiểu tổng thể nên việc dùng này cũng có lợi mà có hại. Bởi các thức mát này lại làm hại đến tỳ thận, lâu dần làm khí huyết hư nhược, không chỉ lại mất ngủ mà còn sinh ra nhiều bệnh khác. Thường các thức mát kiểu như diệp hạ châu, hoa tam thất, atiso.. dùng 1 vị thì áp dụng với người khỏe, thận dương, tỳ vị khỏe. Còn với người mà tỳ thận đã lạnh thì càng dùng càng bệnh. Tỳ vị lạnh không đủ để chuyển hóa thức ăn sinh ra khí huyết khiến cho khí huyết hư nhược. Thận lạnh làm sức lửa (khí) trong thận không đủ sức đẩy nước lên làm mát tâm (thận thủy không chế ngự, bao dung được tâm hỏa) làm cho hỏa bốc lên trên, thủy chìm xuống dưới, gây nóng trên lạnh dưới, mất cân bằng. Chính vì thế mà người ta mới phải phối hợp các vị thành một bài để hạn chế mặt hại mà vẫn giữ được mặt tốt.
Có nhiều trường hợp, cũng chẳng có gì lo nghĩ oán giận bực tức gì, cuộc sống rất an yên, ăn uống thì toàn đồ sạch đồ tốt ấy vậy mà vẫn mất ngủ. Trường hợp này thường là do khí huyết hư nhược, máu về gan cũng không đủ nên gan cũng có thể nóng. Máu về tim không đủ cũng gây tâm hỏa. Khí huyết không đủ lên não cũng gây ra mất ngủ, thần kinh suy nhược. (Mà nghĩ nhiều, stress máu huyết chảy mạnh quá, ko về gan cũng gây mất ngủ). Tỳ vị hư yếu tiêu hóa không nổi để sinh khí huyết. Nói chung là mọi thứ tắc, gây nóng, uất khắp nơi. Thường trong trường hợp này thường sẽ lạnh chân, lạnh bụng do khí huyết kém.
Ngày nay, có rất nhiều trẻ nhỏ sinh ra đã yếu, gọi là yếu từ trong trứng. Các em ăn như mèo, ngại ăn, người gầy tong teo, da xanh, ngủ không yên giấc hay cựa quậy thức giấc, chân lạnh, đầu nóng hay mồ hôi. Này do tiên thiên bất túc, nghĩa là bố mẹ yếu sinh con yếu, khí huyết hư nhược nên tiêu hóa không nổi thức ăn, khí huyết không đủ cho các lục phủ ngũ tạng trong đó có gan.
Ta có thể thấy, lý do mất ngủ rất là nhiều. Thế nên, một loại lá, một vị thuốc khó có kết quả, ăn may, hợp thầy hợp thuốc là vì thế. Thường thì các vị thuốc nam về chữa mất ngủ có tính làm dịu thần kinh như lá vông, lạc tiên, bình vôi. Đôi khi dùng mấy thứ lá này ngủ được nhưng lại thấy mệt vì vấn đề quan trọng ở khí huyết, tạng phủ chưa giải quyết được mà chỉ ức chế thần kinh. Các loại lá đắng như tam thất, tâm sen.. làm mát gan, mát tâm thì lại lạnh, gây tụt huyết áp, lạnh tỳ vị nên cũng gây mệt. Vì thế trong đông y người ta phải phối hợp các loại vị để khắc phục nhược điểm của vị này, hạn chế tác hại của vị kia mới đem lại kết quả tốt được.
Đối với trường hợp thứ 3, mất ngủ do khí huyết hư nhược, thể tạng lạnh, nhiễm lạnh lâu ngày dẫn đến xơ cứng thoái hoá vùng vai cổ gáy khiến cho khie huyết ko đủ lên não gây ra mất ngủ, có thể áp dụng bài gừng luộc đắp gan bàn chân qua đêm, matxa vật lý trị liệu vùng vai cổ gáy, chân tóc, đánh gừng sống lưng, tập bài tập 6 động tác mátxa để giúp máu lên não tốt hơn, đồng thời bồi bổ khí huyết để khí huyết được đầy đủ hơn.
Tóm lại, ngoài việc thuốc thang thì như phân tích ở trên, việc buông bỏ, bớt tham sân si cũng là yếu tố quan trọng để ngủ ngon. Ăn uống, tập luyện giúp lưu thông khí huyết cũng hỗ trợ.
Mọi người có thể tham khảo bài thuốc DƯỠNG TÂM AN THẦN của Chúa Nguyễn. Bài thuốc có nhiều vị, rất hiếm đọc thấy ở đâu, vừa có tính chữa mất ngủ, an thần, dưỡng tâm, sơ can, giải uất, trừ phiền, bồi bổ khí huyết. Xin đưa ra chia sẻ với mọi người.
- Lá đinh lăng (sao) 10g
- Lá sen (sao) 10g
- Lá vông (sao) 10g
- Lạc tiên (sao) 10g
- Khổ sâm (sao) 5g
- Cúc hoa 5g
- Hạt sen (sao) 5g
- Long nhãn 8g
- Đẳng sâm (tẩm rượu sao) 10g
- Gừng khô 3g
- Vỏ con hàu ngâm giấm rang khô đập vụn 3g
Gia giảm thêm
- Táo nhân sao đen 5g
- Đương quy tẩm rượu sao 8g
- Bạch Truật ngâm nước gạo, phơi khô, rang cám 6g
- Hà thủ ô (chế) 8g
- Đại táo 5g
- Cam thảo 2g
Lượng trên đun uống ngày 1 thang, 1 đợt 14 ngày.
Kính share: BÍ MẬT THỰC DƯỠNG