HẠT Ý DĨ
Ý DĨ (Ý RĨ – Ý RỸ) – DĨ NHÂN
Tên khác : Dĩ thật - cống mễ - giải lễ - mễ nhân – sao dĩ nhân – dĩ mễ - ý mễ nhân – hồi hồi mễ - ý châu tử - ngọc mễ - mễ châu – khởi mục – thảo ngư mục – châu tử nhân – bồ lô – tây phiên thuật – thảo châu chi – cảm chu – cảm mễ - ốc viên – ý thử - hữu ất mai – cán châu.
Ở các vùng cao, loại hạt này được trồng rất nhiều. Người ta dùng để nấu rượu rất ngon và làm thức ăn cho gia súc. Ý Dĩ sống được ở vùng khô hạn giống như ngô. Ý dĩ rất bổ, có thể làm thức ăn tuy nhiên không ăn nó nhiều thay cho cơm được, thường nó dùng lượng nhỏ để làm thuốc thì hợp hơn. Ý dĩ là thành phần không thể thiếu trong bột ngũ cốc hay sữa thảo mộc Koko. Người ta cho vào một lượng nhỏ phối với các loại hạt khác.
Có nhiều vùng trồng ý dĩ, mỗi vùng có những đặc điểm riêng. ở các tỉnh phía bắc Việt Nam, ý dĩ dùng làm thuốc thì rất tốt, khí lực mạnh nhưng lại ko mềm và béo bằng của tàu hay Lào. Nếu nói về độ ngon thì tỉnh Louangphabang của Lào là nhất, ý dĩ vỏ mỏng hơn, hạt mềm hơn, to hơn và béo hơn
Ở thị trường, người ta thường nhầm lẫn một loại hạt cao lương là ý dĩ. ý dĩ là hạt phải có một rãnh ở giữa chạy dọc từ đầu hạt đến cuối hạt. Khi xát vỏ đi rồi, cái lằn rãnh đó vẫn còn. Còn hạt cao lương, chỉ có một dấu thâm lại phía đầu hạt. Vỏ hạt ý dĩ có màu đen chứ k fai màu trắng (hạt cườm)
Cũng như nhiều loại hạt khác, khi đem xát vỏ còn mỗi nhân, thì hạt sẽ nhanh hỏng, mất năng lượng. Chính vì thế, để cả vỏ để trữ cả năm, khi nào dùng thì xát vỏ.
CÔNG HIỆU CỦA Ý DĨ: chủ trị được những khí ẩm ướt, nóng nực, làm cho gân phải co quắp lại, khó co vào duỗi ra, ngượng ngùng, và những chứng phong tê thấp bại, không cử động được. Nó có tính thông lợi được trường vị, tiêu được những chứng chân tay sung nề yếu đuối, chữa được chứng thũng chân, buồn chân. Thông lợi được tiểu tiện, để tiểu tiện dễ đi được nhiều, chữa chứng đái són, đái rát , đau buốt và chứng chảy ra nước đặc như mủ. Đàn bà chảy ra khí bạch, trị những chứng mụn màng ở trong ngoài da nứt nẻ như vảy cá, chứng bàn tay bàn chân bong từng lớp như thay da.
Ý dĩ là vị thuốc chủ trương chữa mụn ở phổi, hay chứng khô héo phổi, có khi phổi có máu nùng, chứng ho nóng, ho khan, ho ra đờm , dãi, mủ.
Ý dĩ có thể chữa chứng ho ra đờm thấy thối, mùng mủ, da ngực nứt nẻ - đấy là triệu chứng lên mụn ở phổi. chứng dẫu có nặng cũng không nên quá lo lắng để bệnh nặng thêm, chỉ cần uống thuốc và ăn cháo ý dĩ lâu ngày sẽ khỏi.
Rễ cây ý dĩ rửa sạch dã lấy nước uống cũng rất thần hiệu.
Dù mụn ở phổi vỡ hay chưa vỡ cũng cứu được cả, mụn ở phổi không vị thuốc nào hay bằng ý dĩ vì nó dẫn khí nóng ở phổi thông lợi xuống, nó dẫn tiêu ra bằng đường đại tiểu tiện.
Những người bị chứng nước mầu ( ? ) khô ráo, thành ra chứng đi táo kiết hay lỵ mà không khỏi bởi vì nắng nóng. Chỉ bởi âm hư ( chất mát suy kém ) hay những người có thai chớ dùng bởi ý dĩ nó rút xuống mạnh quá.
Dùng rễ cây ý dĩ nấu nước đặc rồi cô nó lại thành cháo rất ngon, chữa được chứng giun phải ra cho hết, rất thần hiệu.
Nước ta có nhiều loại thuốc , thổ sản quý hơn cả thuốc Tàu, hạt ý dĩ của ta - hạt béo – to đầy – tính chất rất tốt. Hạt ý dĩ của tàu béo ít khí lực.
Một khái niệm: chứng ẩm thấp ở xứ lạnh có thể đem thương truật hay các chất nóng mà chữa cho nhẹ đi. Nhưng ở xứ ra tuy ẩm ướt nhưng vẫn nóng, nếu dùng thương truật, bạch truật, và các thứ nóng khác thì càng làm thêm nóng thêm, chỉ có ý dĩ vừa làm mát vừa thông lợi đi xuống , uống vào khoan khoái nhẹ nhàng.
Mã Viện – một đại tướng của tàu khi sang xâm lược ta khi nếm ý dĩ của ta cho là rất hay, tiêu trừ được chướng khí, làm cho sức lực lúc nào cũng sung túc nên khi về Tàu chỉ lấy toàn ý dĩ là biết quý nhường nào.
Người nào ăn nó nhiều khiến cho cơ thể mát mẻ, dễ tiểu, tính tình dễ dãi, khoan hồng, không gắt gỏng gây hiềm khích.
Giống ý dĩ có rất nhiều thứ, một thứ hình nó nhọn , vỏ mỏng, cắn vào dính răng, thân nó sắc trắng như gạo nếp, thứ này gọi là ý dĩ nhân.
Một thứ hình tròn, vỏ nó dầy, thể chất hơi thôi sắc nó vàng như màu đất, rắn chắc, coi bộ cũng xinh, các nhà tu hành hay dùng nó làm hạt niệm phật, rồi đặt tên là Bồ đề tử hay bồ đề tát, đã tự giác ngộ lại giác ngộ cho chúng sinh.
Dùng làm thuốc thì chỉ dùng ý dĩ nhân mà thôi.
Phép chế:
-Khi dùng nó cho vào cối đã xay giã, xảy sạch chỉ lấy nguyên nhân để dùng.
Ông Lôi Hiệu nói rằng:
Khi dùng nó nên dùng 1 nửa gạo nếp, cùng cho vào với nhau, cùng sao vàng, rồi gạn bỏ gạo nếp đi chỉ dung ý dĩ . Cũng có khi cho nước muối vào nấu qua, để mà dùng . Thường dùng thì cho vào các thứ thuốc mà nấu, hoặc bồi khô, dã ra bột rồi cho vào hoàn tán. Cũng có khi cho nó vào với gạo tám, hoài sơn, liên nhục, đại táo, nấu cháo ăn rất ngon và mát.
Cụ Trương Trọng Cảnh kết hợp ý dĩ vào các bài thuốc thí nghiệm rất hay:
- Ý dĩ phụ tử tán.
- Ý dĩ phụ tử bại tương tán.
- Ma – hoàng hạnh – Ý dĩ nhân – dĩ cam – thảo thang.
Ông Nhân Quyền viết trong dược tính bản thảo bàn về ý dĩ như sau:
Dĩ mễ chữa được chứng phế nuy. Phế khí hay đưa lên, chứng thượng khí, hay là chứng phế ung, trong phổi tích nung huyết, chứng ho hắng hắt hơi xổ mũi, nhổ vặt. Dùng ý dĩ nấu thành nước cốt đặc để uống. Phá được chứng sưng có độc.
Ông Mạnh Sần viết trong sách Thực Liệu Bản thảo nói về ý dĩ như sau:
Ý dĩ là vị thuốc chưa được cả hai thứ can và thấp cước khí rất hữu hiệu.
Trần Tang khi viết trong sách Bản thảo thập di nói về ý dĩ như sau:
Dùng ý dĩ mà xôi xôi, thổi cơm, làm bánh khúc hoặc nấu cháo mà ăn, nấu lấy nước cốt mà uống làm cho khỏi khát lại sát được những loại sâu nhỏ giun sán trong người.
Thời nhà Tống – Ông Khâu Tông Thích viết trong sách Bản Thảo Diễn Nghĩa: Ý dĩ nhân tính nó hay, bổ được tỳ, ích cho phổi, trừ được thấp, thanh nhiệt, hạ khí thượng, hòa được vinh vệ. Nhất là nó hòa được vinh vệ, chữa được gân cốt co rút, không co duỗi ra được.
Thời nhà Minh ông Lý Thời Trần viết trong sách Bản thảo cương mục rằng:
Ý dĩ nó làm ích thêm vi khí, bổ được tỳ kinh, làm cho tỳ khỏe mạnh, bổ được phổi, thanh nhiệt, chữa được phong, thắng được thấp, nấu cơm hay xôi mà ăn, chữa được lãnh khí, nấu nước mà uống làm cho lợi thủy, chữa nhiệt lậu.
Ông Cù Hi Ung viết trong sách Bản thảo sơ kinh:
Ý dĩ nhân vị nó cam đạm hơi hàn, không có độc.
Những khí thấp của đất cảm vào da thịt, làm hại cho huyết mạch gân xương với những khí gió hơi lạnh, dầm dìa nước nơi đất cát, ba thứ đấy hợp lại làm người ta tê bại thì đã có ý dĩ. Tính nó ráo, chữa được những chứng thấp, vị nó cam hay vào tỳ bổ cho tỳ, lại kiêm cả tính đạm, cho nên nó thấm được chứng tiết nên nó chủ chữa chứng gân xương co rút, không co vào duỗi ra được, cũng là chứng phong thấp tê bại, chữa được những tà khí làm cho tê bại không biết đau.
Tính nó lợi cho trường vị, tiêu được chứng thủy thũng, làm cho người ta hay ăn, dùng lâu cơ thể nhẹ nhàng.
Hoàng Cung Tú viết trong sách Bản Thảo Cầu Chân:
Ý dĩ các sách đều chép rằng: ở trên thì nó thanh được khí nóng trong phổi, ở dưới thì chữa được chứng tê thấp, bởi sắc nó trắng nên nó hay vào phổi, tính nó hơi hàn nên nó tả được nhiệt, vị nó cam nên nó vào được tỳ, vị nó đạm nên nó hay thấm được thấp song le, phải biết tính nó đưa lên thì ít đưa xuống thì nhiều.
Phàm chứng hư hỏa bốc lên có chứng phế ung, phế nuy, vì nhiệt mà hóa ra thấp mà đã thấy chứng thủy thũng, chứng cước khí, sán khí chứng tiết tả hạ lị, chứng đi đái són, chứng phong nhiệt, chứng gân xương co rút, đều dùng ý dĩ. Làm chó nó lợi thủy đạo làm khí điều hóa được làm gân cốt tự nhiên thư thái ngay, ý dĩ nó không như bạch truật làm cho, khí vị khổ ôn, không có tính mát, bạch truật nó là vị cốt yếu cho bổ tỳ còn ý dĩ nó là vị thanh nhiệt bổ thủy. Dùng nó vào thuốc thang, thuốc tễ tính chất công việc của nó hoàn toàn hòa hoãn nên muốn cho được việt thì phải gấp bội lên so với các vị thuốc khác, nhưng phải nhớ rằng những người tân dịch khô khan quá thành ra tiện bí, những người âm hàn mà chuyển gân., đàn bà có thai … thì không nên dùng vì tính nó đi xuống cũng như hay tả tiết thông lợi.
Ông Tân Thu viết trong bản thảo sơ kinh:
Bạch truật tính ôn còn ý dĩ thì hơi lạnh, bạch truật vị tân còn ý dĩ vị đạm, bạch truật vị hậu, ý dĩ vị bạc, nên hai vị này cách xa nhau lắm không so sánh được vì thấy rõ cái nghĩa ấy tỏng Kim quĩ yếu lược.
Diêm Lập Thăng viết trong sách Bản Thảo tuyển chỉ:
Ý dĩ cam vị cam hơi lạnh, nó bẩm thụ được chính cái táo khí của đất, lại gồm cả cái thu khí của trời phú cho nó bẫm thụ mà sinh sống.
Sách nội kinh nói rằng:
Báo nhiêu khí thấp của đất bốc lên, nó cảm vào người làm hại da, gân xương, kế đến là khí phong hàn , thấp hợp cả 3 lại làm chứng tê bại thì đây ta dùng ý dĩ có tính ráo, trừ được tính thấp, nó có vị ngọt vào được tỳ bổ dạ dày, nó gồm được cả vị đạm, cho nên nó có thể thâm được tạp nhạp.
Theo người Anh, hay người Mỹ công dụng của ý dĩ nó giống như đại mạch, người bệnh dùng nó sẽ dễ tiêu hóa. Người Nhật trong sách Hòa hán lược giải:
Ý dĩ nhân đối với đông y dùng để chữa bệnh phế lao công dụng rất hiệu quả, nó có công dụng đặc biệt với bệnh phế nuy phế khí tích, chứng nung huyết, chứng ho hắng, chứng thượng khí.
Sách Hòa hán lại cho rằng ý dĩ chữa chứng giun sán rất hay.
Những phương giản dị và hiệu nghiệm:
Một bài thuốc chữa chứng đỗ kỵ và ghen ghét:
Dùng ý dĩ với thiên môn đông, xích thử mễ ba thứ bằng nhau làm ra bột hòa với mật ong viên thành hạt như hạt ngô, mỗi lần uống hai ba chục viên với nước sôi. Cho nam nữ uống hết tính đố kỵ.
Một phương chữa chứng nóng nảy giận dữ:
Ý dĩ mễ nửa lạng, nước 2 bát cho vào đun sôi cạn 1 nửa, thêm cam thảo 4 đồng cân hay nho khô 1 lượng vào, bỏ bã lấy nước uống chữa chứng sốt nóng, ho lâu , tiểu buốt hay bị lậu đi đái đau.
Một phương chữa phế nuy:
Dùng ý dĩ nhân, mộc qua, thạch hộc, tỳ giải, hoàng bá, sinh địa hoàng, mạch môn đồng, các vị liệu lượng mà phân ra quân thần tá sứ tất cả 3-4 lạng – tán ra bột mà uống với nước sôi hoặc nấu kỹ 3 lần chừng 2 bát rưỡi, chia ba lần uống nóng.
Một phương chữa chứng đau ở lồng ngực chạy sang từng bên một.
Dùng ý dĩ, ngũ gia bì, ngưu tất, thạch hộc, sinh địa hoàng, cam thảo, cách dùng như trên.Bệnh nhân có chứng co rút gân đau thì dùng thêm bạch truật, thương truật, xương bồ, cam cúc hoa, chữa thêm chứng tê bại thì thêm phụ tử.
Một phương gọi là cơm bánh ý dĩ chữa chứng lãnh khí:
Ý dĩ giã cho sạch tinh trắng, dùng nó mà xôi xôi hoặc nấu như cơm ăn hàng ngày, hoặc khi vị của nó giống như lúa gạo hoặc nấu cháo nó mà ăn cũng tốt.
Một phương chữa người bi tê phong thấp lâu không khỏi, bài này làm cho bổ , điều chỉnh nguyên khí lại, thông lợi vị trường, làm tiêu thủy thũng. Trừ được tà khí trong lồng ngực, chữa được chứng gân xương huyết mạch co rút. Dùng ý dĩ nhân làm ra bột, cùng với gạo tám mà nấu cháo, thổi cơm, ngày ngày ăn như thường rất tiện mà lại tốt.
Một phương chữa chứng đau mình, phong thấp, cứ đến quá trưa và chiều bệnh lại tăng lên.
Theo cụ Trương Trọng Cảnh phải dùng bài Ma Hoàng, Hạnh Nhân,ý dĩ làm chủ thang.Dùng Ma Hoàng 3 Lạng, hạnh nhân 20 hạt, cam thảo và ý dĩ mỗi thứ 1 lạng, nước 4 bát nấu kỹ còn 1. Dồn lại chia 3 lần uống nóng.
Một phương chữa người thủy thũng thở gấp như suyễn.
Dùng úc lý nhân 2 lạng giã lọc lấy nước cốt. Dùng nước ấy nấu với ý dĩ thành cơm mà ăn mỗi ngày ăn hai lần.
Một phương chữa người bị chứng tiêu khát, uống nước bao nhiêu cũng khát. Dùng ý dĩ nấu nước mà uống, hoặc dùng nấu cháo ăn càng tốt.
Môt phương chữa chứng phế nuy ho hắng nhổ ra máu. Dùng ý dĩ nhân 10 lạng, , giã cho vỡ , lấy nước lấu 3 phần còn 1 phần, pha với một chút rượu ngon mà uống càng uống càng hiệu nghiệm.
Một phương chữa người bị phế nuy, ho hắng hay nhổ vặt, lồng ngực như hình thành cái mai nó úp vào khó chịu trăm phần. Dùng rấm rượu thật tốt nấu ý dĩ thành nước cốt cho đặc để con hơi âm ấm uống cho thật mạnh bạo. Nếu trong phổi mà còn huyết đọng ở đó thì nhổ ra ngay là khỏi.
Một phương chữa chứng phế nuy, thường khạc ra huyết. Dùng ý dĩ nhân 3 bát, giã nát, nước 5 bát nấu kỹ còn 2 bát cho vào một chút rượu ngon , chia làm 2 lần uống hết.
Một phương chữa người bị chứng thốt nhiên sưng ở ngay cổ họng nhìn như cái ung. Dùng ý dĩ nuốt đi mấy nhân là khỏi.
Một phương chữa người bị ung thư không vỡ ra được.
Dùng hạt ý dĩ nhân nuốt đi mỗi lần 1 hạt là vỡ ngay.
Một phương chữa người đàn bà có mang trong thai có mụn ung thư.
Dùng ý dĩ nhân nấu lấu nước cốt mà nuốt, uống dần dần, uốn luôn một ít một ( vị này kỵ thai, nếu người mẹ nóng lắm mới dùng)
Một phương chữa người bị đau răng, sâu răng.
Dùng ý dĩ nhân và cát canh nghiền sống ra bột, nửa điền vào chỗ sâu răng, nửa uống. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều dùng được.
Dung lượng dùng từ 3 đồng cân đến 4 đồng cân.
Trường hợp phải kiêng ý dĩ:
Phàm những người xét ra không có chứng nào gọi là thấp nhiệt, thì không nên dùng ý dĩ, nhất là có thai phải kiêng (do ý dĩ có tính lạnh, nếu dùng phải phối hợp với các thứ khác không dùng một mình).