7. HỆ QUI CHIẾU
7. HỆ QUI CHIẾU
Theo định nghĩa về âm dương trong sách Phòng & trị bệnh theo PP thực dưỡng Ohsawa, trang 19:
“Trong phạm vi Trái Đất, âm và dương thể hiện bằng 2 động lực là LỰC ĐẤT hay ĐỊA KHÍ & LỰC TRỜI hay thiên khí. Lực đất âm phát sinh do chuyển động quay của hành tinh này, từ tâm trái đất tỏa ra không gian vô tận. Lực trời dương gồm các sức bành trướng của vũ trụ, bức xạ điện từ, các vũ trụ tuyến, sức ly tâm của các tinh tú, khí áp… từ không gian vô tận xoắn vào tâm trái đất.
“Một vật âm (ảnh hưởng của lực ly tâm trội hơn lực hướng tâm) có khuynh hướng tiết ra khí lạnh; trở nên tăm tối, ẩm ướt, thụ động, mềm, xốp, nhẹ thăng lên, hình thể rỗng, cao lớn, dựng đứng, thường có màu tím, xanh lục (ánh sáng có bước sóng ngắn).
Một vật dương (ảnh hưởng của lực hướng tâm trội hơn lực ly tâm) có khuynh hướng phát ra hơi nóng, ánh sáng, khô ráo, hoạt động, cứng, chắc đặc, nặng, hạ xuống, thấp nhỏ, nằm ngang, thường có màu vàng, đỏ, nâu (ánh sáng có bước sóng dài).”
Điều này có nghĩa chúng ta lấy tâm cầu – trái đất để làm căn cứ so sánh âm dương – căn cứ vào một nơi ở ngoài thân người. Có nghĩa trái đất là một hệ qui chiếu mà căn cứ vào đó để so sánh, phân định âm dương cho tất cả các thức như
Thịt động vật dương hơn thực vật
Tôm, cua dương hơn nghêu, sò, ốc
Chim trĩ, chim cút, chuột đồng dương hơn rắn, chó, ếch, heo
Táo, hồng xiêm dương hơn dừa, thơm, đu đủ
Rau mùi, rau ngổ, hành, kiệu dương hơn gừng, ớt, tiêu
...
Ly tâm, hướng tâm, tâm cầu… đây thực sự là điều lớn lao. Dựa vào hệ qui chiếu này mà người ta có thể xét âm dương của tất cả mọi khía cạnh trong đời sống, không chỉ có vấn đền sức khỏe, thức ăn. Nhưng chúng ta tạm đặt thứ to lớn sang một bên để đi vào thực tế của sức khỏe qua ăn uống. Việc cần căn cứ vào một hệ qui chuẩn để xét là cần thiết. Tuy nhiên qui chuẩn này quá rộng lớn nên đôi khi hơi mơ hồ, xa vời thậm chí là nhầm lẫn với những người đang chỉ quan tâm đến thức ăn tác động như thế nào đến cơ thể.
Một vật thẳng đứng thì âm hơn vật nằm ngang nhưng nó tác động như nào đến cơ thể? Không biết! Nghe cứ không được liên quan đến mình cho lắm. Hay âm dương chỉ là trò chơi tâm trí? Ngưu bàng, nhân sâm rất dương nhưng gây lạnh bụng và có thể dẫn đến ỉa chảy với những người bụng yếu. Sắn dây dương, khi bột quấy chín giúp cơ thể ấm nóng. Ớt và mồng tơi đều âm lại kết hợp tốt với nhau. Ngao, sò, ốc và gừng, sả, ớt đều rất âm lại là sự kết hợp hoàn hảo với nhau. Những thứ hàn lạnh như hải sản thường được liệt vào dạng âm và những thứ cay nóng như gừng ớt cũng được liệt vào dạng âm. Như vậy âm dương có gì đó mâu thuẫn & đảo lộn không?
Thực vậy, một thức dương trong hệ qui chiếu trái đất nhưng có thể âm so với cơ thể, ví dụ điển hình nhất là ngưu bàng & nhân sâm. Chúng ta cần phải chi tiết thêm một bước nữa, những thức được phân định âm hay dương đó tác động như thế nào đến cơ thể. Như vậy, chúng ta cần có một hệ qui chiếu nữa là cơ thể con người – chính bản thân ta, thức nào khiến ta trở nên âm và thức nào khiến chúng ta trở nên dương, từ đó sẽ điều chỉnh thức ăn sao cho cân bằng với cơ thể.