4. PHÂN ĐỊNH ÂM DƯƠNG
4. PHÂN ĐỊNH ÂM DƯƠNG
Trước hết phải thống nhất rằng ÂM DƯƠNG LÀ TƯƠNG ĐỐI
Có nghĩa đây là một sự so sánh tương quan & đối nghịch giữa các đối tượng hay hiện tượng với nhau, không thực sự có, không có bản chất, không đúng hoàn toàn, không tồn tại mãi, không đúng ở mọi hoàn cảnh hay mọi nơi, luôn thay đổi biến dịch. Âm dương phụ thuộc vào nhau mà sinh ra, nương vào nhau mà cùng tồn tại, có tính đối nghịch nhau, phụ thuộc góc nhìn hay qui định (hệ qui chiếu).
Một sự vật hay hiên tượng được coi là âm hay dương là do cách chúng ta chọn góc nhìn, vị trí nào, khía cạnh nào hay còn gọi là HỆ QUI CHIẾU – CHUẨN nào để xét. Có đôi khi cùng một đối tượng, hiện tượng nhưng nhìn ở hai góc hay xét trên hai hệ qui chiếu – chuẩn khác nhau, sẽ có kết quả khác nhau. Ví dụ người đứng bên này sống nói tôi thấy nước chảy từ trái qua phải nhưng người đứng bên kia sông không đồng ý bảo rằng tôi thấy nước chảy từ phải qua trái. Cùng là cái bàn nhưng người Anh lại gọi là table. Rất nhiều người không hiểu điều này nên nói rằng qui định âm dương trong thực dưỡng mới đúng, còn đông y là sai hay hay thấy âm dương trong thực dưỡng và đông y rất trái ngược.
Khi xét âm dương, có một điều cần phải ghi nhớ, âm dương cần gắn với một tình huống hay đối tượng CỤ THỂ, không có một âm dương chung chung, vu vơ. Bởi âm dương là so sánh tương đối cái này với cái kia. Nếu không có đối tượng nào, tình huống nào được nhắc đến hay nêu ra thì chúng ta cũng cần hiểu có một sự ngầm định ở đó và cần ngầm định hiểu cái đó là cái nào, đang xét trên chuẩn – hệ qui chiếu nào. Khi chuẩn thay đổi thì sẽ có một mối tương quan hay quan hệ âm dương khác. Thế nên, âm dương tưởng rất trừu tương mà lại rất phải rõ ràng, tưởng chung chung mà lại phải rất cụ thể, chính xác.
“Trong phạm vi trái đất, âm và dương thể hiện bằng 2 động lực: LỰC ĐẤT hay ĐỊA KHÍ và LỰC TRỜI hay THIÊN KHÍ. Lực đất âm phát sinh do chuyển động quay của hành tinh này, từ tâm trái đất tỏa ra không gian vô tận. Lực trời dương gồm sức bành trướng của vũ trụ, bức xạ điện từ, các vụ trụ tuyến, sức ly tâm của các tinh tú, khí áp, từ không gian vô tận xoắn vào tâm trái đất.
Một vật âm (ảnh hưởng của lực ly tâm trội hơn lực hướng tâm) có khuynh hướng tiết ra khí lạnh; trở nên tăm tối, ẩm ướt, thụ động, mềm, xốp, nhẹ thăng lên, hình thể rỗng, cao lớn, dựng đứng, thường có màu tím, xanh lục (ánh sáng có bước sóng ngắn).
Một vật dương (ảnh hưởng của lực hướng tâm trội hơn lực ly tâm) có khuynh hướng phát ra hơi nóng, ánh sáng, khô ráo, hoạt động, cứng, chắc đặc, nặng, hạ xuống, thấp nhỏ, nằm ngang, thường có màu vàng, đỏ, nâu (ánh sáng có bước sóng dài).” (Trg20, Phòng & trị bệnh theo PP thực dưỡng Ohsawa)
Có thể nhóm lại theo một số phạm trù như sau:
VỀ XU HƯỚNG
Dương hướng tâm, có rút. Âm li tâm, dãn nở. Nên:
Thức nặng là dương (hướng tâm cầu). Thức nhẹ là âm (ly tâm cầu). Hệ qui chiếu là tâm cầu (Trái Đất)
Thức khô là dương (có xu hướng co lại). Thức chứa nhiều nước là âm (có xu hướng dãn nở).
Thức cứng, chắc, đặc là dương. Thức mềm, nhão, rỗng là âm
Thức đứng thì âm, thức nằm ngang thì dương. Thức cao thì âm, thức thấp thì dương.
Những cây lá nhỏ dương hơn những cây lá to, những cây lá cứng dương hơn cây lá mềm.
VỀ ĐỊA LÝ
Vùng nóng dương, vùng lạnh âm
Mùa hè dương, mùa đông âm
Trên cạn dương, dưới nước âm
VỀ VỊ TRÍ
Trên cao dương, dưới thấp âm
Bên trong dương, bên ngoài âm
VỀ MÙI VỊ
Cay, chua, ngọt, có hương thơm thuộc âm
Mặn, đắng, không mùi hương thuộc dương
VỀ MÀU SẮC
Xếp theo từ dương đến âm theo dãy quang phổ là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím
VỀ SINH TỐ
C, B1 âm hơn A, D, K
VỀ HÓA HỌC
Những gì chứa nhiều hydro (H), Carbon (C), Sodium (Na)… có quang phổ đỏ, cam, vàng dương hơn những gì có ít chất này hoặc có dồi dào Oxy (O), azot (N), postassium (K)… có quang phổ màu tím, lam.
…
Nói chung sẽ có vô khối các khía cạnh, phạm trù để xét âm dương vì mọi thứ đều có thể chia ra 2 mặt đối lập.
Từ 7 nguyên lý và 12 định lý (đề cập sau) có thể suy ra một nguyên tắc là trong âm sinh dương, trong dương sinh âm hay trong âm có dương, trong dương có âm. Vì âm dương có tính kế tiếp, đồng tồn tại.
Nên:
Thức ở vùng nóng (dương) thì âm, thức ở vùng lạnh (âm) thì dương. Ví dụ cây cối, con người ở vùng nóng thì âm hơn vùng lạnh.
Thức vào mùa hè (dương) thì âm hơn thức vào mùa đông (âm). Ví dụ rau hoa quả mọc vào mùa xuân hè thì âm hơn vào mùa thu đông.
Thức trên cạn (dương) thì âm hơn thức dưới nước (âm). Ví dụ sen, súng mọc dưới nước thì dương hơn rau trên cạn. Cá tầng đáy như trê, lươn, trạch thì dương hơn cá tầng trên như trôi, trắm, mè.
Thức trên cao (dương) thì âm hơn thức dưới thấp (âm). Ví dụ củ thì dương hơn thân, thân thì dương hơn lá. Loại nằm dưới đất thì dương hơn loại bò trên mặt đất, loại bò trên mặt đất thì dương hơn loại leo trên cao.
Xét trong cùng đối tượng ví dụ trên một cây, những quả ở dưới thấp thì dương hơn những quả trên cao, những quả gần thân thì dương hơn những quả ở ngọn. Người ta có một kỹ thuật làm cho cây vải ra quả ở thân, những quả này rất ngon so với những quả ra ở ngọn.
Dừa là loại quả trên cao (âm), vỏ bên ngoài rất cứng (dương) nên nước dừa bên trong rất âm. Cùi dừa mặc dù chắc đặc nhưng là phần bên trong, lại là quả trên cao, chứa nhiều dầu nên cùi dừa cũng rất âm.
Vit ở dưới nước, thích nước (âm) nên vịt dương. Gà ở trên cao (dương), sợ lạnh (âm) nên gà âm. Da thịt gà nóng nên nội tạng gà lạnh sinh ra quả trứng gà nóng (âm sinh dương). Ngược lại trứng vịt lạnh.
Một vật xét ở khía cạnh này có thể dương so với vật khác nhưng ở khía cạnh khác lại âm. Ví dụ củ ngưu bàng xét về vị trí thì dương hơn carot do đâm sâu xuống đất hơn, nhưng nếu xét về độ chắc đặc hay màu sắc thì carot lại dương hơn ngưu bàng. Thế nên, âm dương có tính tương đối, nghĩa là đúng trong trường hợp này nhưng không đúng trong trường hợp khác. Vì thế, âm hay dương cần phải xác định rõ đối tượng so sánh và phạm trù so so sánh, không có một âm dương chung chung.
Thêm nữa nhiều thứ mà việc quan sát bằng mắt chưa đủ để biết âm hay dương. Ví dụ quả ớt hình dài (âm) nhưng màu đỏ (dương) thì có thể ta sẽ phân vân chưa biết âm hay dương. Nhưng có loại ớt mà hình tròn (dương), màu đỏ (dương) thì phải xét các yếu tố khác nữa như vị, mùi.
Thế nên cuối cùng của việc phân định âm dương là các thức đó sẽ tác động đến cơ thể như thế nào, nếu không âm dương chỉ là thứ lý thuyết rất tương đối, không thể kinh nghiệm. Ví dụ, dù ớt màu gì, hình nào, mọc ở đâu, mùa nào nhưng khi ăn vào làm năng lượng của bạn tán (li tâm) thì nói ớt âm với cơ thể.