HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG NÓI VỀ MẮT
TINH BA CỦA NGŨ TẠNG LỤC PHỦ ĐỀU DỒN LÊN MẮT MÀ LÀM TRÒNG MẮT, TINH BA CỦA XƯƠNG LÀM THÀNH CON NGƯƠI, TINH BA CỦA GÂN LÀM THÀNH TRÒNG ĐEN.
Nhà chuyên môn nhãn khoa có chia ra ngũ luân bát quách thuộc ngũ tạng lục phủ chỉ làm cho rắc rối. Tóm lại tinh ba khí huyết của con người, đều dồn lên mắt, cho nên mắt mới sáng nhưng căn bản chỉ ở 2 tạng can và thận thôi. Can thuộc lòng đen, thận thuộc con ngươi, can chủ huyết, thận chủ tinh; thần quang, thần cao, thần thủy đều là tên gọi riêng của tinh huyết. Lại có điều trọng yếu nhất là chỉ có thận chủ chân âm chân dương, hỏa để soi sáng, thủy để thấm nhuần nuôi dưỡng.
CON NGƯƠI LỒI LÀ THÁI ÂM KÉM, MẮT NHÌN NGƯỢC LÀ THÁI DƯƠNG TUYỆT.
Con ngươi thuộc thận, âm thiếu thời dương thừa, tính hỏa bốc lên mà lồi ra. Mạch kinh thái dương theo xương sống đi lên tiếp vào mắt, mắt nhìn ngược là dương đã tuyệt khí thoát mà chết.
TRẺ CÒN THỦY Ở PHẦN TRÊN, HỎA Ở PHẦN DƯỚI CHO NÊN MẮT SÁNG. NGƯỜI GIÀ HỎA Ở PHẦN TRÊN, THỦY Ở DƯỚI, CHO NÊN MẮT MỜ, KHÔNG THỂ TRÔNG XA ĐƯỢC LÀ KHÍ DƯƠNG THIẾU, KHÔNG THỂ NHÌN GẦN ĐƯỢC LÀ KHÍ ÂM THIẾU.
Kinh dịch nói “sự sáng của trời đất, chỉ có mặt trời với lửa nhưng mắt mờ hay sáng không đơn thuần chỉ có hỏa mà phải có cả thủy. Sách nói “âm không đưa được sáng lên mắt, ấy là âm không nuôi dưỡng thời không sáng được. Tôi đọc sách nhãn khoa cũng có chỗ nói: dương thiếu âm thừa thời trông gần được không trông xa được; âm thiếu dương thừa thời trông xa được, thật đáng buồn cười, trông gần được, không trông xa được, đó là lẽ thường, chứ trông xa được mà không trông gần được thật là vô lý. Thường thấy người âm hư, phần nhiều nghiêng đầu nhìn sát, tròng mắt xếch nghiêng, trông gần để phân biệt mọi vật còn như thế huống hồ lại nhìn xa được ư!
Nội kinh nói “khí ở phần trên kém, não vì thế mà không đầy, đầu vì thế bị lệch nghiêng, mắt vì thế mà phải nhìn sát, đó là khí kém, có thể nói là dương thừa được không? Xét trong Nội kinh, chỉ nói dương thiếu âm thiếu , mà không nói trông xa trông gần, so không nghiên cứu lại nói càng là âm thừa dương thừa. Lời bàn tuy thuận mà nghĩa lý trái ngược; thực là sai hẳn ý nghĩa của Nội kinh.
(Trích Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh - Quyển 1 - Thiên thứ 6: Cơ chế của bệnh)
Đọc thêm: CẬN THỊ HỌC ĐƯỜNG