CHẾT VÌ SỢ CHỨ KHÔNG PHẢI VÌ ỐM
CHẾT VÌ SỢ CHỨ KHÔNG PHẢI VÌ ỐM
Bà chị dâu thì viêm mũi dị ứng không lúc nào hết khặc khừ, ông anh thì thường xuyên viêm họng, mẹ và bố thì thường xuyên thấy ho và các cháu cũng vậy. Mọi người thấy bình thường, chỉ mỗi tôi thấy không ổn. Tôi chỉ nhắc đi nhắc lại 2 việc là phải mang dép trong nhà và bỏ chiếu trúc đi nhưng không ai nghe, thậm chí còn cho rằng đi chân đất là tốt. Bụt chùa nhà không thiêng mà, duyên nghiệp mỗi người biết sao. Tôi thuộc dạng gầy gò ốm nhất nhà vì hồi bé ốm và uống nhiều kháng sinh, nhưng cỡ hơn chục năm trở lại đây tôi không uống viên kháng sinh nào.
Hôm nay mẹ tôi có triệu chứng bắt đầu viêm họng, và bảo chị đi mua thuốc kháng sinh và nhắc mua loại nào mới nhất ý.
Từ hồi nhỏ, nhà tôi đã có quan niệm chớm viêm là phải táng 1 đợt kháng sinh ngay lập tức không thì để sẽ ốm nặng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy đúng là để lâu sẽ viêm lên mũi, nhức đầu, khó thở, khó chịu kinh khủng. Nên cứ chớm là kháng sinh cho chắc. Không phải là mọi người không biết uống nhiều sẽ nhờn thuốc, ai cũng biết điều đó nhưng dường như cũng không có cách nào khác ngoài kháng sinh để khỏi ốm và nỗi sợ ốm đã che mờ tất cả khiến người ta run rẩy mà chiêu vội những viên kháng sinh.
Thế nên từ nhỏ đến khoảng lớp 9, dường như tháng nào tôi cũng uống kháng sinh cả, chớm đau họng là uống. Cũng may sang lớp 9, chuyển trường xa nên đạp xe nhiều tự dưng đỡ viêm họng hẳn, hết cả viêm mũi dị ứng. Trước đó tôi bị viêm mũi dị ứng, đi khám họ bảo phải mổ để vách ngăn nó hở ra mới hết và bệnh này bị cả đời. Giờ tôi mới hiểu tại sao lại bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang: Khí huyết hư, sức đề kháng kém thì kiểu gì cũng bị viêm mũi và viêm xoang. Mũi và xoang là một dạng khớp non và yếu nhất trên cơ thể nên sẽ bị đầu tiên. Thường nhức người bị khớp thì kiểu gì cũng hay bị những bệnh về hô hấp, xoang mũi.
Cỡ khoảng chục năm trở lại đây, khi viêm họng tôi không bao giờ uống thuốc, quyết chiến cho đến phút chót. Đỉnh điểm sẽ có 1 đêm không ngủ vì người cực khó chịu, đầu nhức, họng dát, mũi đau. Nhưng sang sáng hôm sau thì trời yên bể lặng. Từ đợt đó tôi tự biết rằng, cơ thể sẽ có 1 đêm như vậy rồi kiểu gì cũng khỏi nên không việc gì phải sợ. Mà thực tế tôi cũng chưa nghe ca nào chết vì mấy chuyện cúm, viêm họng cả. Người ta chết vì các đợt dịch bệnh do virus lớn. Tuy nhiên, tôi không khuyên bạn lì như tôi. Nhưng có một điều để chúng ta suy nghĩ thế này.
Giống như việc tiêm phòng, làm cơ thể chúng ta bị bệnh nhẹ để cơ thể làm quen và có sự phòng ngừa tự nhiên với bệnh này là sinh ra kháng thể thì việc trải qua những đợt ốm kiểu như viêm họng, cúm thì cứ để cơ thể luyện tập đi để nếu có một ngày xảy ra bệnh dịch thì cơ thể còn có sức mà chống chọi. Nếu bạn không cho cơ thể những cơ hội luyện tập, nâng cao sức đề kháng mà cứ vùi dập bằng kháng sinh, đến một ngày bệnh dịch lớn xảy ra thì những viên thuốc kháng sinh trở nên quá nhỏ bé. Chỉ có thực lực mới giúp được bạn mà thôi.
Ngoài vấn đề lì lợm để luyện tập như vậy, nhưng đúng là có thực mới vực được đạo, bạn cần biết ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện sao cho trường năng lượng sinh học của bạn được nâng cao thì sức đề kháng sẽ cao, Và cũng không quên các phương pháp phòng ngừa cảm mạo phong hàn.