BÀI HỌC TỪ DANH Y CHUYÊN TRỊ BỆNH TRẺ CON
BÀI HỌC TỪ DANH Y CHUYÊN TRỊ BỆNH TRẺ CON
Các danh y cổ đại Trung Quốc rất coi trọng bệnh tật của trẻ con, ở thời Chiến quốc, danh y Biển Thước đã là thầy thuốc nhi khoa. Đến đời nhà Đường, danh y Tôn Tư Mạc đề xướng thành lập nhi khoa riêng. Đến đời nhà Tống xuất hiện một danh y chuyên về nhi khoa, Tiền Ất (Quân Châu (nay là tỉnh Sơn Đông), SN 1023), được hậu thế tôn vinh “Thánh nhi khoa”.
Cha Tiền Ất là thầy thuốc dân gian, nhưng khi con lên 3 tuổi, người cha bỏ nhà đi ngao du, không một tin tức gì về nhà. Hai mẹ con Tiền Ất dựa vào nhau sống qua ngày. Một năm sau, điều bất hạnh nữa lại đến, mẹ Tiền Ất lâm bệnh qua đời. Từ đó cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, được họ hàng nuôi nấng.
Lúc 4 tuổi, Tiền Ất rất ốm yếu, bà cô Tiền Ất cũng là một thầy thuốc dân gian, nhìn thấy khí sắc biết đứa bé này bẩm sinh không tốt, suy nhược dinh dưỡng, nguyên khí tổn thương... Họ hàng chăm sóc cẩn thận, bồi dưỡng sức khỏe. Sau một thời gian sức khỏe Tiền Ất tốt dần, thể chất rắn chắc thêm lên, nhưng vóc dáng thì vẫn thấp hơn những đứa bé cùng tuổi.
Lúc nhỏ Tiền Ất bị bệnh bại liệt, chân trái hơi bị teo, đi đứng không được thuận lợi; tính tình thích yên tĩnh, không thích hoạt động. Ông rất thích khi xem bà cô khám bệnh, vì thế hàng ngày đều ngồi bên cạnh để xem cô bốc thuốc kê đơn. Lâu ngày rồi cũng vừa mắt quen tai, nhớ được tên một số vị thuốc thường dùng như cam thảo, hoàng liên...
Đến tuổi đi học, người cô gửi đứa cháu học ở một trường tư. Sau khi tan học các bạn bè Tiền Ất chơi đùa chạy nhảy, Tiền Ất lại thích về nhà lặng lẽ ngồi xem cô khám bệnh.
Đến 14-15 tuổi, Tiền Ất trở thành trợ thủ đắc lực giúp người cô ghi đơn, pha chế thuốc... Cũng bắt đầu từ đó, ban ngày đi học, lúc tan học về nhà làm trợ tá cho cô, ban đêm Tiền Ất tự ngồi đọc sách y học. Vài năm sau thiếu niên có thể tự điều trị một số bệnh đơn giản cho bệnh nhân.
Trong quá trình khám chữa bệnh, Tiền Ất phát hiện những người bị hen suyễn, lưng gù... phần lớn là di chứng để lại của các bệnh bị mắc phải lúc nhỏ. Bản thân ông cơ thể gầy yếu, phát triển không tốt cũng là do lúc nhỏ mắc nhiều bệnh sinh ra. Vì thế ông cảm thấy muốn cứu người thì nên bắt đầu từ các bệnh tật của trẻ em.
Người cô khuyên: “Khám và chữa bệnh cho trẻ con là việc không đơn giản. Mạch của trẻ con rất yếu, vừa nhìn thấy thầy thuốc là trẻ đã khóc nên bắt mạch rất khó được chính xác. Trẻ con lại không biết cách nói ra bệnh của mình, dùng thuốc hơi nhiều một chút là dễ xảy ra chuyện. Vì thế cho dù là danh y cũng rất sợ khám bệnh cho trẻ”.
Tiền Ất đáp: “Cô nói rất đúng, nhưng cháu nghĩ do bệnh trẻ con khó điều trị mới cần nghiên cứu nhiều đến nó. Vì vậy cháu nghĩ sau này sẽ chuyên nghiên cứu về cách phòng trị bệnh trẻ con”.
Bà cô thấy Tiền Ất quyết tâm nên đã truyền đạt lại hết những kinh nghiệm lâu nay về khám chữa bệnh trẻ em lại cho cháu. Đồng thời Tiền Ất tiếp tục nghiên cứu sâu về y học đặc biệt với các bệnh trẻ em; tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn trong điều trị; sáng tạo ra những bài thuốc mới...
BỆNH "ĐƯỢC NGƯỜI LỚN NUÔNG CHIỀU"
Vào năm Tiền Ất 50 tuổi, ông đột nhiên nhận được thư của Tống Thần Tông mời đến Biện Lương chữa bệnh cho con gái công chúa. Đứa bé này vốn thân thể suy nhược gầy yếu, lại lười ăn, không hoạt bát như những đứa trẻ cùng tuổi. Đã mời rất nhiều danh y đến chữa, uống không biết bao nhiêu thuốc quý nhưng vẫn không khỏi. Công chúa nghe nói Tiền Ất rất có kinh nghiệm chữa bệnh cho trẻ nên đã nhờ Tống Thần Tông mời về kinh đô.
Sau khi Tiền Ất bắt mạch khám bệnh cho cô bé xong đã nói thẳng với công chúa: “Cháu bé này quả thật không có bệnh gì, chỉ vì người lớn quá nuông chiều từ nhỏ nên mới như thế”. Công chúa hỏi lại: “Tại sao đại phu nói như vậy?”
Tiền Ất phân tích: “Đứa bé này hàng ngày ăn quá nhiều, quá no các sơn hào hải vị, làm cho tì vị suy giảm chức năng, không muốn ăn thêm các thứ khác. Vì sợ nó té ngã nên không cho nó hoạt động, kết quả là làm cho nó mất phản xạ; cho nó mặc toàn những nhung the gấm vóc nên mất sức đề kháng, hễ thời tiết hơi thay đổi là không chịu được. Hễ có cái gì không vừa lòng liền được đáp ứng, không cho làm việc; nên tạo ra tính khí bất thường, nhìn thấy ai cũng không ưa không thích...”.
Tiền Ất chỉ cách chữa: “Không được dùng loại thuốc bổ nhân sâm nữa, chỉ dùng các loại thuốc thông thường khai vị tiêu trì. Chú ý không nên cho ăn quá no; quần áo mặc các loại vải mềm, mỏng một chút; để cho nó hoạt động nhiều hơn cho gân cốt, khí huyết lưu thông thì sẽ khỏe và hoạt bát”.
Sau một thời gian điều chỉnh lại sinh hoạt, đứa bé sức khỏe dần dần tốt hơn. Tống Thần Tông đã phong cho Tiền Ất làm Hàn lâm y học (một chức vụ trong quan chức ngành y).
NGUYÊN TẮC LINH HOẠT TRONG CHỮA BỆNH CHO TRẺ CON
Một năm sau, Thái tử của Tống Thần Tông cũng bị bệnh. Thái y đã chữa chạy nhiều lần, bệnh đã không giảm mà còn nặng thêm, thậm chí còn nôn ra máu và có hiện tượng teo gân. Tống Thần Tông vô cùng lo lắng.
Tiền Ất khám bệnh, cho biết Thái tử bị bệnh phong rất nặng, dùng các thuốc thông thường không cầm được, mới nôn ra máu và rút gân, vì thế ông kê ra một đơn thuốc đặc biệt, trong đó có một vị thuốc gọi là hoàng thổ.
Tống Thần Tông xem đơn thuốc rất ngạc nhiên, Tiền Ất trả lời: “Hoàng thổ cũng có thể làm thuốc. Thuốc uống này lấy nó làm thành phần chính phối hợp với các vị khác, cho nên còn gọi là thang hoàng thổ. Hoàng thổ này là đất làm ông táo được nung chín có thành phần thuốc, hiệu quả chữa bệnh rất tốt. Bệnh của Thái tử là bệnh phong, thận có bệnh. Thận thuộc dạng có nhiều nước, vì vậy dùng đất để ép nén lại. Uống hoàng thổ thang thì có thể chặn được bệnh phong”.
Thái tử sau khi uống hai thang thì các triệu chứng co gân, nôn ra máu giảm hẳn và không bao lâu sau khỏi bệnh. Tống Thần Tông thấy vậy rất vui mừng, đặc cách phong Tiền Ất làm Thái y trợ.
Tiền Ất chữa bệnh cho trẻ bao giờ cũng tuân theo nguyên tắc linh hoạt. Ông cho rằng cơ thể trẻ em có đặc điểm riêng, vì vậy khi khám bệnh phải dựa vào đặc điểm đó để chữa trị một cách linh hoạt, không nên rập khuôn theo các bài thuốc cổ. Khi kê đơn cần áp dụng nguyên tắc mềm mỏng.
Một hôm, có một thầy thuốc cầm đơn thuốc mà Tiền Ất kê ra, hỏi: “Tiền Thái y, đối chiếu với thang thuốc mà Trương Trọng Cảnh viết trong “Kim quí yếu lược”, thang thuốc này của ngài hình như kê thiếu hai vị, có phải ngài quên kê?”.
Tiền Ất cầm đơn thuốc xem lại một lần, rồi giải thích: “Thang thuốc Trương Trọng Cảnh kê là dùng cho người lớn. Trẻ em dương khí đầy đủ nếu cho uống nhục quế và phụ tử có thể bị chảy máu cam, cho nên tôi bỏ hai vị thuốc nóng này đi”.
Còn một ví dụ khác, trong kinh thành có một vị nhà giàu đến tìm ông nhờ chữa bệnh cho con mình. Thì ra đứa bé mắc bệnh phế nhiệt, các thầy thuốc theo thói quen kê đơn thuốc có vị thuốc mát giải nhiệt như sừng tê giác, ngưu hoàng... Không ngờ đứa trẻ sau khi uống thuốc, bệnh không giảm mà nặng thêm, ho liên tục, bỏ cả cơm nước không chịu ăn.
Tiền Ất xem khí sắc và bắt mạch đứa bé, kê đơn thuốc có các vị thuốc ôn như chích thảo, trần bì... Người thầy thuốc chữa bệnh cho em bé trước đây, cầm đơn thuốc xem, hỏi: “Tiền Thái y, cháu đó bị bệnh nhiệt rõ ràng như vậy mà sao ngài vẫn kê đơn có các vị ôn?”.
Tiền Ất cười nói rằng: “Các ông không nên lo quá. Cháu quả là bị bệnh nhiệt, nhưng những thuốc đã uống trước đều là các vị hàn. Hàn quá làm tổn thương đến tì vị, khiến cho cháu không muốn ăn uống, vì thế mà bệnh nặng thêm. Nếu bây giờ lại vẫn dùng các vị thuốc hàn, thì có thể sẽ nguy hiểm. Trong lúc khẩn cấp này, cho thuốc bổ tì vị trước để khai vị, sau đó trị bệnh phế nhiệt, hiệu quả sẽ tốt hơn”.
Đứa bé uống thuốc theo đơn Tiền Ất kê, hai hôm sau, quả nhiên tốt hơn. Ông lại cho đơn thuốc có vị hàn, sau khi uống thang thuốc thứ hai bệnh tiêu tan.
Theo báo Pháp Luật
Quý vị có thể xem phim về vị Đại phu trẻ con này với tên Thần Y Bắc Tống trên kênh YouTube Điện Ảnh Trung Quốc
Thời tiết miền bắc dạo này vừa mưa ẩm lại lạnh. Quý vị lấy dầu Thông Kinh Lạc Thuỷ bôi lưng bôi ngực cho trẻ trước ngủ và sáng khi thức dậy.