9. NHỮNG MÂU THUẪN
9. NHỮNG MÂU THUẪN
Trong sách có những bảng phân định âm dương, nghĩa là liệt những gì vào dạng âm hay dương, âm cấp độ mấy dương cấp độ mấy. Những người mới tiếp cận thực dưỡng vô cùng bối rối vì không hiểu căn cứ vào đâu để xếp ra bảng như vậy.
Việc có nhiều khía cạnh hay phạm trù để phân định âm dương cũng gây ra những bối rối cho người mới tiếp cận. Dường như không có một căn cứ cụ thể, cố định nào để dựa vào đó phân định âm dương. Âm dương giống như một thứ gì đó mà người ta không thể cầm nắm và tóm được.
Những phân định âm dương cũng rất mâu thuẫn, chưa cần biết lý thuyết nào, cơ sở nào nhưng cứ trực quan mà nói thì âm dương thực sự đảo lộn.
Sắn dây được xếp vào hàng khá dương, ăn bột sắn dây quấy chín làm người ấm lên, giúp chữa cảm cúm, lạnh người. Củ ngưu bàng được xếp vào hàng rất dương, uống trà củ ngưu bàng làm lạnh người, tụt huyết áp và có thể gây ỉa chảy với người bụng yếu. Vậy cùng là củ và được xếp vào hàng dương bậc nhất mà có những tác động rất khác nhau lên cơ thể.
Mồng tơi, ngao, sò, ốc thuộc hàng rất âm, ăn những thứ này nếu không được chế biến cẩn thận sẽ gây lạnh bụng, ỉa chảy, lạnh người. Ớt, sả, gừng cũng được xếp vào hàng rất âm nhưng ăn vào làm nóng người, bốc hỏa, nhiệt thân miệng. Vậy cùng là âm mà tác động đến cơ thể rất trái người. Ngoài ra, những thứ này (âm – âm) lại là một sự kết hợp hoàn hảo.
Như vậy âm hay dương cũng có thể làm ấm người hoặc lạnh người.
Gạo cho vào nước nấu thành cơm, hạt gạo từ cứng chuyển sang mềm và nở to hơn. Đây rõ ràng là một quá trình hạt gạo bị âm hóa. Nói chung hầu hết quá trình nấu đều làm cho thức ăn nhừ hơn, mềm hơn nhưng người ta vẫn thường nói nấu là quá trình dương hóa thức ăn.
Người già được coi là dương, người già ngày càng suy kiệt lại được coi là dương. Người ốm bệnh, ít hoạt động là âm, người khỏe, năng động là dương. Trẻ con tràn đầy năng lượng và đang phát triển lớn lên được coi là âm. Tất cả những điều này có vẻ không được ăn khớp với nhau.
Có vẻ âm dương như không đủ để giải quyết những mâu thuẫn trên. Anh bếp phải làm sao?
Ngoài ra, những mâu thuẫn giữa các hệ phái như Đông y và thực dưỡng chưa bao giờ hết, chưa bao giờ trở nên đồng nhất với nhau. Đông y qui định rằng dương thăng (li tâm), âm giáng (hướng tâm) còn thực dưỡng qui định ngược lại. Ngay cả chỉ trong hệ phái thực dưỡng thôi thì cũng đầy mâu thuẫn qua ngôn từ như ở bài trước (9) đã ví dụ. Chưa có một lý thuyết nào dung hòa giữa đông y & thực dưỡng và giải thích có lý về những mâu thuẫn như đã nêu. Chúng ta cứ đi, cứ đi đã rất nhiều năm trên sự mù mờ & xung đột. Chúng ta sẽ còn đi tiếp như vậy?
Đông y không thể sai vì đã có mấy nghìn năm, thực dưỡng cũng không sai, cũng không có sự mâu thuẫn nào trong các lý thuyết này. Sự mâu thuẫn chỉ có ở mỗi chúng ta khi không hiểu được các NỘI HÀM đằng sau hai từ ÂM DƯƠNG.
Tất cả những mâu thuẫn này giống như việc 2 người không biết rằng mình đang ở 2 bên bờ sông khác nhau và nói rằng tôi thấy nước chảy từ trái qua phải còn người kia nói rằng tôi thấy nước chảy từ phải qua trái. Vấn đề này chỉ thực sự được giải quyết khi chúng ta biết mình đang đứng ở đâu để nhìn sự vật hiện tượng.