10. HÌNH & KHÍ – VẬT CHẤT & NĂNG LƯỢNG
10. HÌNH & KHÍ – VẬT CHẤT & NĂNG LƯỢNG
KHÍ và NĂNG LƯỢNG là hai từ khác nhau để chỉ cùng một thứ vô hình. Khí nghe có vẻ phương đông và cổ điển hơn, được nhắc đến trong võ công, đông y, có tính cảm tính. Năng lượng là từ mang phong cách khoa học, vật lý và phương tây, có tính đo lường được.
Năng lượng để nói về khả năng sinh công của vật chất hay hiện tượng. Mức năng lượng nhiều hay ít là khả năng sinh công nhiều hay ít. Trong đồ ăn thức uống có thể hiểu là calor hay nhiệt lượng.
Nói chung không có sách nào để cập đến vấn đề này, những điều nói ở đây chỉ mang tính để chúng ta có thể rõ ràng hơn khi phân định và kết hợp đồ ăn thức uống chứ không mang tính định nghĩa. Chúng ta tạm qui định và hiểu với nhau như vậy, trong phạm vi cuốn sách này.
Có một từ rất quen thuộc và dễ chấp nhận với chúng ta là dược tính để nói về tính chất hay sự tác động của đồ ăn thức uống lên cơ thể như hàn nhiệt, hoạt trệ, thăng giáng… Tuy nhiên từ dược tính thì không có tính biểu thị công năng hay năng lượng. Một thức có dược tính mạnh nhưng không có nghĩa cũng cấp nhiều năng lượng cho cơ thể hoặc giúp cơ thể khỏe hơn. Ví dụ quả ớt.
Có vẻ từ khí là từ đại diện được cho cả năng lượng và dược tính, khí cũng có cả mạnh và nhẹ, khí cũng có thể minh họa các tính chất như hàn nhiệt, hoạt trệ, thăng giáng. Thế nên chúng ta sẽ thống nhất là dùng từ KHÍ để nói về khả năng tác động mang tính vô hình của các thức lên cơ thể.
KHÍ là thứ không thể nhìn thấy bằng mắt nhưng tác động của nó lên cơ thể là có thật và ta có thể kinh nghiệm được như ăn vào thấy khỏe hoặc bị lạnh bụng, bốc hỏa, tiêu chảy, táo bón, tụt huyết áp, nóng trong...
Làm thế nào để phán đoán được các xu hướng tác động của các dòng khí?
Chúng ta cần hệ thống được những sự tác động này để từ đó có phương hướng & biện pháp dung hoà các yếu tố tác động đó để tạo ra thứ cân bằng hoặc giúp cơ thể cân bằng
Tất cả các sự tác động này có thể qui về các cặp phạm trù đối lập được gọi bằng từ chung ÂM DƯƠNG.
Trong đông y có nói đến hai từ là THĂNG & GIÁNG. Làm thế nào để biết khí của thức này là thăng hoặc giáng? Chúng ta không thể nhìn thấy khí hay năng lượng vì nó là thứ VÔ HÌNH. Chúng ta không thể chỉ cho người khác thấy được thứ này có tính chất thăng hay giáng vì thăng hay giáng là sự tác động lên cơ thể chỉ có thể kinh nghiệm chứ không nhìn thấy được. Như thế thì rất khó chỉ cho người khác thấy được và khó chứng minh, khó xác nhận vì không phải lúc nào cũng đem để kinh nghiệm được.
Có lẽ thực dưỡng là một thuyết ra đời hợp với thời đại khi mà khoa học thực chứng phát triển cần mọi thứ phải rõ ràng và không phải ai cũng kinh nghiệm được những thứ vô hình như khí hay năng lượng.
Nếu có một mối quan hệ nào đó giữa những dấu hiệu có thể thấy bằng mắt như kích thước, màu sắc, vị trí ... và khí của thức đó thì ta hoàn toàn có thể dựa vào cái thấy HỮU HÌNH để dự đoán cái VÔ HÌNH là khí.
Bây giờ chúng ta sẽ đi tìm mối quan hệ giữa hình & khí.
Có một công thức rất nổi tiếng nói lên mối quan hệ giữa vật chất & năng lượng:
E= mC2
Nếu cho một khối lượng vào máy li tâm và quay với một vận tốc bằng vận tốc ánh sáng thì khối lượng đó biến thành năng lượng hoàn toàn, có nghĩa là cung cấp cho nó một động năng (điều kiện hoặc chất xúc tác) thì vật chất được phân rã giải phóng ra năng lượng vô cùng lớn. Năng lượng chính là vật chất phân rã (ly tâm) thành, có trị số bằng trọng lượng nhân với bình phương vận tốc ánh sáng, và vật chất chính là năng năng lượng hội tụ (hướng tâm) thành. Để phương trình này xảy ra thì cần có điều kiện hay chất xúc tác tham gia.
Hoàn cảnh thực tế mà ta có thể cảm thấy hay nhìn thấy sự biểu hiện của công thức này ở mức độ nào đó là thức ăn được tiêu hóa thành năng lượng calo, củi cháy thành lửa, xăng cháy thành lửa mà điều kiện để xảy ra sự chuyển hóa vật chất – năng lượng là nhiệt độ của lửa hoặc cơ thể, sự co bóp của dạ dày, sự tác động của enzym.
Công thức này cho chúng ta thấy rất rõ mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng, vật chất chính là năng lượng mà năng lượng chính là vật chất nhưng ở hai trạng thái, thời điểm khác nhau. Vật chất và năng lượng không thể tách rời, ở đâu có vật chất ở đó có năng lượng. Ẩn sau cái hình (vật chất) chúng ta nhìn thấy được bằng mắt chính là năng lượng vô hình. Nhìn vào vật chất mà ta có thể thấy được năng lượng tiềm ẩn giống như nhìn vào thanh củi ta có thể thấy được khả năng cung cập nhiệt lượng của nó - thân gỗ nặng trắc thì cháy lâu hơn cho nhiều nhiệt hơn. Mỗi vật chất sẽ có mỗi mức năng lượng tiềm ẩn khác nhau. Vật chất chính là một trạng thái biểu hiện của năng lượng ở dạng hữu hình còn năng lượng chính là biểu hiện của vật chất ở dạng vô hình. Nhưng cái chúng ta nhìn thấy bằng mắt là hình (cái thấy biết bằng mắt thường) nên ở đây chúng ta có thể lấy hình là đại diện cho cả vật chất và năng lượng vì vật chất đã biểu thị cho năng lượng. Khi nói đến hình có nghĩa nói về vật chất và một mức năng lượng tiềm ẩn sau vật chất đó.
Khi vật chất hay năng lượng được gom nén lại (hướng tâm), thì sự chuyển động của vật chất và năng lượng sẽ chậm lại, tĩnh lại, lạnh (trạng thái âm). Khi vật chất hay năng lượng bung ra (li tâm), giải phóng công năng thì sự chuyển động của vật chất và năng lượng nhanh lên, hoạt hóa, nóng (trạng thái dương). Trạng thái âm (chậm, tĩnh, lạnh) và trạng thái dương (nhanh, hoạt, nóng) là tính chất của năng lượng hay vật chất có thể gọi là khí.
Như vậy ta có thể định nghĩa
Khí là tính chất (nóng lạnh, nhanh chậm) của vật chất hay năng lượng, còn âm dương để nói lên chiều hướng của vật chất hay năng lượng (li tâm, hướng tâm)
Từ đó suy ra
khi hình âm – có chiều hướng li tâm thì khí hoạt - thăng - dương,
khi hình dương - hướng tâm thì khí tĩnh – giáng – âm.
HÌNH ÂM – KHÍ DƯƠNG, HÌNH DƯƠNG – KHÍ ÂM.
Khi hình càng thu rút, hướng tâm, càng dương thì năng lượng hay vật chất càng gom nén lại, thì khí càng tĩnh, càng âm, càng lạnh.
Khi hình càng bành trướng, ly tâm, càng âm thì năng lượng hay vật chất càng bung nở ra, thì khí càng hoạt, càng dương, càng nóng.
Đó là mối quan hệ giữa hình và khí – MỘT BÍ MẬT LỚN.
Đến đây chúng ta có thể hiểu thực dưỡng và đông y không hề mâu thuẫn, chỉ là thực dưỡng (hầu hết) đang xét hình còn đông y xét tính chất của hình là khí, đang ở hai góc nhìn khác nhau.
Củ ngưu bàng nhỏ, đâm sâu xuống dưới biểu thị cho hình thu rút, hướng tâm rất mạnh nên khí của củ ngưu bàng rất tĩnh, rất lạnh. Ta nói củ ngưu bàng rất dương về hình và rất âm về khí.
Một cành cây khô người ta nói nó dương vì hình của nó co rút khô cứng lại. Nhưng cũng có thể nói nó âm vì khí đang chết dần.
Người ta nói trẻ con dương vì nó chạy nhảy chơi đùa suốt ngày. Ý là nói về khí hoạt, mạnh (dương). Còn về hình thì đang trong quá trình bành chướng, to lớn dần (âm).
Người ta nói người già dương hơn người trẻ, nếu dương hơn thì họ phải khỏe hơn nhưng sao họ yếu hơn và đang trên quá trình tận diệt? Họ nói dương là đang nói về hình, vẻ bề ngoài, vật chất đang co rút. Còn nói âm là đang nói về khí, khí đang chìm dần, chậm dần đến lúc khí không còn hoạt động là chết. Thế nên nói người già âm hay dương đều đúng nhưng cần hiểu đang nói về hình hay khí.
Cùng một sự vật hiện tượng có rất nhiều các dấu hiệu trái ngược về hình nên nếu chỉ nhìn về hình không thì cũng có những hạn chế. Ví dụ củ ngưu bàng đâm sâu xuống đất nhưng nó màu trắng và rất mềm. Nếu so với củ màu đỏ cứng, cũng đâm xuống đất ví dụ như carot thì chưa biết củ nào dương hơn củ nào.
Cái nhìn về hình chỉ là cái nhìn bề ngoài và người ta sẽ còn bối rối và nhầm lẫn nếu chưa thấy được cái bên trong là khí. Và thực chất quá trình tương tác âm dương là quá trình của khí (năng lượng). Nhưng không ai nhìn thấy được khí (năng lượng) bằng mắt thường nên người ta phải mượn hình (vật chất) để diễn đạt và biểu hiện.
Cái nhìn về hình là một sự bổ xung rất tốt, nó không chỉ vấn đề hữu hình hóa vấn đề vô hình (khí – năng lượng) mà nó còn chi tiết hóa cho khí. Ví dụ nhân sâm trồng ở đồng bằng khác nhân sâm trồng trên núi, đồ ăn thức uống miền nóng khác miền lạnh, quả ở trên cao khác quả dưới thấp, quả dài khác quả tròn, màu đen khác màu trắng, … từ sự khác nhau về hình này mà có thể chi tiết về khí. Cái nhìn về hình vừa có tính tổng quát, vừa có tính chi tiết. Hình & khí là một sự kết hợp đầy đủ, toàn diện hơn. Nhìn hình thấy khí là một cái nhìn tổng quát, đầy đủ, chi tiết & sâu sắc.
Chúng ta cũng có thể thấy ngôn từ ÂM - DƯƠNG cũng chỉ là hình, cái biểu hiện bên ngoài, cái đại diện còn bản chất bên trong là gì, nó nói gì, mô tả gì thì thực sự là sâu xa, vô cùng. Nếu bạn chỉ nhìn vào hình, bám vào từ ngữ thì chắc chắn còn nhiều hạn chế và nhầm lẫn. Âm dương là hai từ chỉ biểu thị cho các trạng thái hay tính chất đối nghịch mang tính tổng quát. Chi tiết ra thì khí có rất nhiều các cặp phạm trù khác như nóng lạnh, nhanh chậm, lên xuống, ra vào,…
Người ta dùng cùng 1 từ âm để nói mồng tơi rất âm, cà chua rất âm, gừng rất âm, ớt rất âm, rượu rất âm, và cũng cùng 1 từ âm người ta nói khoai rất âm... Tất cả những thứ này bên ngoài thì có thể được gọi bằng từ giống nhau nhưng về khí thì đường đi, chiều hướng, tính chất, cường độ rất khác nhau.
Nhưng chúng ta không thể nào cứ nói đến một thức mà phơi bày tất cả các mặt, các tính chất của nó ra được. Người ta phải qui nạp, gọi gọn tất cả các tính chất đó vào hai từ âm dương mà bên trong có rất nhiều nội hàm. Âm dương là từ đầy nội hàm. Nói ngưu bàng, carot dương thì chúng ta cần ngầm hiểu dương như thế nào, dương ở mặt nào, mặt nào âm, sự tác động đến khí của con người như nào…