TẢN MẠN THU
TẢN MẠN THU
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Vậy là trời đã sang thu, không những sang thu mà đã trung thu. Dường như năng lượng có một sự dịch truyền khác lạ. Chúng ta có thể cảm thấy trong cái “nắng tháng tám, nắng rám quả bòng” mà có cả sự man mát dễ chịu. Mùa hè là năng lượng dương cực thịnh, nóng nực bức bối khó chịu. Năng lượng mang tính hành động mạnh mẽ, giống như một người quyết liệt giữa đường đua, nắng cũng kinh mà mưa cũng kinh, cây cối cũng như đua theo vũ điệu ấy. Cho đến sang thu mọi thứ trầm lắng hơn, trong cái nóng đã có cái lạnh xen kẽ bên trong nên dù cái nắng thì rát nhưng không khí vẫn dễ chịu, trời đất đã chuyển từ nóng sang mát.
Lẽ ra giai đoạn này năng lượng dương bớt đi thì cái nắng phải dễ chịu hơn mới đúng chứ nhỉ? Nhưng có vẻ cái nắng kinh khủng hơn cả mùa hè nên dân gian mới có câu “nắng tháng tám nắng, rám quả bòng” – cháy cả da quả bòng. Đây là giai đoạn cuối của dương, giống như một người chạy nước rút về đích, bao nhiêu sức lực bung hết ra, giống như ngọn lửa đèn dầu bùng mạnh hơn trước khi tắt vì hết dầu. Nên cái nắng đó rất gay gắt, bạo liệt. Nó vừa có gì đó mạnh mẽ lao về đích nhưng cũng lại vừa có gì đó kéo nó lại vì sức dương đã tàn, có sự giằng co giữa thái dương và thiếu âm. Cái sự thái dương, nghĩa là dương già, dương quá mức đến bỏng rát lẫn với một chút của âm lạnh đang lên. Nên nắng thì kinh hơn (thái) nhưng bắt đầu có một chút (thiếu) mát xen lẫn.
Sau một mùa hè dốc hết sốc lực thì mùa thu là năng lượng của sự biết đủ, biết dừng, quay đầu hay thu liễm. Năng lượng không còn hướng ra ngoài hay lên trên nữa. Con người dường như có phần chững lại không còn xông pha nữa, cây cối thì thu lăng lượng về để bắt đầu cho một quá trình khác, năng lượng không còn ở trên lá nữa mà hướng vào thân hoặc xuống củ nên lá bắt đầu vàng.
Trạng thái thì chỉ có 2 trạng thái là âm và dương nhưng giai đoạn có tận 4, thêm 2 giai đoạn chuyển đổi giữa âm và dương và đây chính là giai đoạn chuyển đổi. Đọc thơ Xuân Diệu như có phần gì đó sai sai. Làm gì mà đến nỗi
"Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...
Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì."
Ông nói cứ như là đã sang giữa đông vậy. Chưa đến mức chia ly cắt đứt mà mới chỉ dùng dằng đi không được ở không xong, cũng chưa đến mức buồn không nói một lời câm nặng mà nhìn xa xa như vậy. Có lẽ nhà thơ nó phải cường điệu như vậy, đa sầu đa cảm hơn người bình thường, vượt quá mức âm dương của người thường. Nếu không thì đã chả ra thơ.
Năng lượng mùa thu không còn ở trên trí não nữa mà xuống tim nên người ta có cảm giác man mác buồn, nhưng chưa đến nỗi đóng chặt cửa như mùa đông. Người ta hoài niệm, vẫn còn chút suy tư thổn thức chứ chưa đến nỗi câm lặng như mùa đông không muốn nghĩ đến hay nói một lời. Còn mùa xuân là mùa của thúc dục hy vọng trong lòng cứ phơi phới; giống như ở cõi chết mà thấy le lói ánh sáng xuất hiện, hơi ấm bắt đầu lan tỏa để xua tan lạnh giá; giống như đời nô lệ gông cùm mà thấy được con đường tự do; là mùa của sinh sôi nảy nở yêu đương. Những ai sinh vào mùa thu tháng 9, 10 nghĩa là đã thai sinh vào mùa xuân thì có tính thuận âm dương hơn. Xét về mặt bằng chung thì tính cách, cuộc sống, sức khỏe có phần thuận hơn những người sinh vào hạ hoặc đông. Những người sinh vào hạ hoặc đông thì lại có gì đó đặc biệt, khác lạ hơn do thịnh âm hoặc thịnh dương. Cũng giống như người ta nói con gái sinh vào ngày rằm hoặc con trai sinh ngày mùng một nghĩa là năng lượng thịnh âm hoặc dương trong tháng.
Giai đoạn này cũng là giai đoạn thu hoạch một số dược liệu ở phần củ, rễ điển hình nhất là sen. Ra hồ sen bạn chỉ thấy một cách chết chóc héo úa suy tàn vì năng lượng sống không còn ở trên nữa mà đã thu liễm xuống dưới củ. Vì thế mà sen bây giờ mới nhiều bột, thơm ngọt hơn. Cái gì cũng có mùa, có thời nên phải đúng thời mới có giá trị. Không phải mùa hè nắng to lội xuống hồ đào củ cho đỡ lạnh phơi cho nhanh được mà phải đợi sang thu và đầu đông mới đúng thời điểm. Lại bắt đầu một mùa củ sen.