CHỮA BỆNH CHO NỮ GIỚI KHÔNG THỂ THIẾU HƯƠNG PHỤ
CHỮA BỆNH CHO NỮ GIỚI KHÔNG THỂ THIẾU HƯƠNG PHỤ
Vì sao cổ nhân nói chữa bệnh cho nữ giới không thể thiếu hương phụ?
Trong Đông y lưu truyền câu nói: Chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu vị Trần bì và cho nữ giới không thể không dùng vị Hương phụ (Nguyên văn: Nam bất thiểu Trần bì, nữ bất ly Hương phụ) để nói lên tác dụng quý của mỗi loại thảo dược khác nhau trong điều trị các bệnh cho mỗi giới.
Đại danh y Chu Đan Khê từng nói: “Phụ nhân kiến thiên tính bỉ, tỳ ngoại gia chí bất đắc thân, uất nộ vô thời bất khởi, cố Hương phụ vi nữ nhân tiên dược”, diễn nghĩa: Người phụ nữ có cái nhìn thiên lệch không xa rộng, tính tình thường không được thỏa mãn, uất ức giận giữ lúc nào cũng có thể xảy ra, cho nên Hương Phụ là tiên dược của họ. Hương phụ là vị thuốc được ứng dụng và thu được hiệu quả cao trong y học cổ truyền. Vậy nó có nguồn gốc, tác dụng và trị liệu thế nào?
VỊ THUỐC HƯƠNG PHỤ LÀ GÌ
Hương phụ còn gọi là củ gấu, cỏ gấu, cỏ cú. Tên khoa học là Cyperus rotundus L., thuộc họ Cói (Cyperaccae). Đây là loại cỏ mọc hoang ở khắp nơi trên đồng ruộng, ven đường. Thường hay thu hoạch củ vào mùa xuân, nhưng củ mùa thu thường cho tác dụng tốt hơn. Sau đó phơi khô rồi đốt cho lá và rễ con cháy hết, còn lại củ lấy riêng rửa sạch, phơi hay sấy khô. Tùy vào mục đích điều trị mà chế biến, có thể tẩm giấm, tẩm muối, tẩm nước vo gạo, tẩm gừng …
TÁC DỤNG CỦA HƯƠNG PHỤ
Theo danh y nổi tiếng thời Minh Thanh – Uông Ngang thì Hương phụ tính bình, khí thơm, vị cay nên có khả năng phát tán, hơi đắng nên có thể giáng, ngọt giúp cho điều hòa khí. Là thuốc trị phần khí trong huyết, đi lưu thông trong 12 kinh. Làm chủ tất cả khí trong phần khí của bát mạch. Có tác dụng lợi Tam tiêu, giải lục uất (đàm uất, hỏa uất, khí uất, huyết uất, thấp uất, thực uất), giảm đau. Ngoài ra còn có thể loại bỏ khí cũ để khí mới sinh ra, nên các sách đều nói có tác dụng ích khí.
Vị thuốc có tác dụng:
- Hương phụ có tác dụng sơ can lý khí, điều kinh, chỉ thống
- Trị cho người hay giận dữ, lo lắng
- Ngực bụng chướng đau
- Đàm ẩm bĩ mãn (nhiều đàm, thấy ngực đầy ách)
- Ăn uống không tiêu
- Hoắc loạn thổ tả
- Ung, mụn nhọt do khí huyết ngưng trệ
- Nôn, đi ngoài ra máu
- Rong kinh, khí hư
- Kinh huyệt không đều…
CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG
Theo Y học cổ truyền các tình trạng bệnh lý nêu trên có nguyên nhân chủ yếu là do sự đình trệ của khí gây ra. Nữ giới lấy huyết làm gốc. Kinh nguyệt, khí hư, mang thai, sinh và nuôi con đều mất huyết, nên khi cơ thể yếu rất dễ sinh bệnh.
Dân gian có câu: Phụ nữ khí thừa mà huyết thiếu, khí huyết không sung hòa (Nguyên văn: Phụ nhân khí thường hữu dư, huyết thường bất túc). Cụ Chu Đan Khê cho rằng, nếu khí sung hòa thì sẽ không sinh bệnh, song nếu có uất thì có thể sinh ra mọi bệnh. Khi có uất ức, bực tức khí cơ sẽ bị rối loạn, can khí sẽ mất sự điều đạt mà uất lại. Lâu ngày sẽ hóa hỏa gây hỏa uất. Khí là soái của huyết, khí uất kéo theo huyết uất… Can mộc sẽ khắc Tỳ thổ khiến khả năng kiện vận giảm sút mà sinh ra đàm thấp. Đàm và khí kết lại sẽ tạo thành chứng đàm khí uất kết. Thấp trọc không hóa được khiến cho thức ăn không tiêu hóa được, ứ trệ lại mà gây ra thực uất… Do phần lớn người nữ rất hay có uất kết, mà khí hành thì uất giải, uống Hương phụ vào giúp cho khí được lưu thông, uất được giải nên thấy trị liệu rất hiệu quả.
Hương phụ vị cay hơi đắng hơi ngọt, tính bình, quy kinh Can, Tam tiêu. Hương phụ sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống. Chủ trị các chứng: Can khí uất trệ, sán khí thống, kinh nguyệt không đều, thống kinh, nhũ phòng trướng thống.
Sách Bản thảo cương mục: Hương phụ lợi tam tiêu giải lục uất, tiêu ẩm thực tích tụ, đàm ẩm bí mãn, phù thũng phúc trướng (mu bàn chân phù, bụng trướng), cước khí, các chứng đau tim, đau bụng, đau lợi răng, đau chân tay, đầu mặt, tai..., phụ nhân băng lậu đới hạ, kinh nguyệt không đều, bách bệnh của phụ nữ trước và sau sinh. Hương phụ được dùng để trị nhiều chứng bệnh khác nhau, không những là thần hộ mạng với nữ giới mà cũng có ích với các bệnh của nam giới.
Trần bì và Hương phụ là hai vị thuốc dân dã của người dân quê, rất hiệu quả và an toàn từ xưa tới nay. Trần bì chính là vỏ quýt phơi khô được người dân xỏ thành xâu treo trong nhà để phòng khi hữu sự. Hương phụ là loài cỏ khó diệt, có một bản năng sinh tồn rất mãnh liệt do bộ rễ chằng chịt bám sâu trong đất, còn hạt thì nằm an toàn trong ruột trâu bò và cứ thế phát triển khắp mọi nơi.
Ý NGHĨA TÊN HƯƠNG PHỤ VÀ SỰ LIÊN HỆ VỚI BỔN NỮ
“香附” Hương là vì khi bẻ ra vị thuốc có mùi rất thơm, phụ là dựa vào hay nhờ vào, nghĩa là dựa vào mùi thơm mà Hương phụ có được tác dụng lý khí, giải uất… để chữa được bệnh.
Đối với người phụ nữ thì Hương phụ như là đức tính biết dựa vào đức hạnh tốt đẹp mà đối nhân xử thế in dấu lại tiếng thơm. Thuốc có vị cay nên có khả năng tán như người phụ nữ có cái nhìn thoáng đạt; vị đắng nên có thể giáng như người phụ nữ biết nhẫn nhịn, nhu thuận; vị ngọt nên giúp cho khí hòa, khí hòa thì mọi bệnh tiêu biến như người nữ nên hiền hòa, dịu dàng.
Thật vậy, Hương phụ là “tiên dược” của phụ nữ khi sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh lý. Đây cũng là vị thuốc mà tạo hóa tạo ra để thức tỉnh bổn phận của người phụ nữ. Mỗi khi đến khám chữa bệnh thì bà, mẹ, hay cô gì của chúng ta đều được vị thầy thuốc khuyên nên tu tâm dưỡng tính, để bỏ bớt phiền muộn và tính tình nóng nảy thì cả bệnh và cuộc sống sẽ có biến chuyển tốt hơn. Ngày nay, đạo đức của xã hội ngày một tụt dốc, người phụ nữ lại là “nội tướng” của gia đình. Nếu trong bản thân sẵn có vị thuốc “Hương phụ – sự tu dưỡng” thì thế giới sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.
Theo DKN